Triển vọng sáng của doanh nghiệp dầu khí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với nỗ lực tìm kiếm động lực và giải pháp kinh doanh mới, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dầu khí duy trì kết quả kinh doanh tích cực trong 8 tháng đầu năm 2024. Nhận định về triển vọng kinh doanh, nhiều DN lạc quan, tin tưởng sẽ tiếp tục gặt hái nhiều kết quả ấn tượng.
Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam vừa trúng Gói thầu Đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất thuộc Dự án Xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore với giá 3 triệu USD. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam vừa trúng Gói thầu Đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất thuộc Dự án Xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore với giá 3 triệu USD. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Lễ trao thầu Gói thầu Đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất thuộc Dự án Xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore vừa được Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và đối tác Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) của Singapore tổ chức tại Singapore. Tại gói thầu này, PTSC trúng thầu với giá 3 triệu USD. Đây là một bước quan trọng trong quá trình triển khai Dự án với công suất 2,3 GW, quy mô đầu tư 5 tỷ USD.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC cho hay, trong bối cảnh chuyển dịch xanh trở thành xu thế không thể đảo ngược, PTSC đã chuyển dịch sang phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi) - một lĩnh vực kinh doanh có sự tương đồng với ngành dầu khí, mang về doanh thu cho Tổng công ty nói riêng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nói chung. “Tính đến nay, PTSC đã trúng thầu và thực hiện trên 10 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất khoảng 5,5 GW, tổng giá trị hợp đồng khoảng 1,5 tỷ USD, góp phần giảm phát thải khoảng 6 triệu tấn CO2/năm”, ông Cường thông tin.

Hiện PTSC đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư các mắt xích còn thiếu để hoàn thiện chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi cũng như đầu tư mở rộng để nâng cao năng lực chuỗi cung ứng, đảm bảo hoàn toàn chủ động trong triển khai dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang Singapore, cũng như phục vụ các dự án ở Việt Nam.

Báo cáo vừa được Công ty CP Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam) công bố mới đây nhận định, triển vọng tăng trưởng của PTSC rất sáng cả trong ngắn, trung và dài hạn do khối lượng công việc dồi dào từ các dự án khí, xây dựng điện khí trong nước và các dự án điện gió ngoài khơi.

Cùng với PTSC, tình hình kinh doanh của Công ty CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam cũng được nhận định khá tích cực. Theo Báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý II/2024 của một số DN ngành dầu khí vừa được Công ty CP Chứng khoán BIDV công bố, doanh thu thuần quý II của Công ty CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam đạt 64 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, trong khi quý II/2023 lỗ 7 tỷ đồng…

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty CP Bọc ống Dầu khí Việt Nam trúng một số gói thầu như: Gói thầu Dịch vụ vận chuyển ống bọc 12 inch, hạ thủy và chằng buộc trên sà lan; Gói thầu Dịch vụ bọc chống ăn mòn mối nối cho tuyến ống chân đế giàn CPP-KNT… “Kết quả kinh doanh của Công ty sẽ có đột biến lớn khi nhận Dự án Bọc ống cho Lô B - Ô Môn với điểm rơi vào năm 2025 và 2026”, Công ty CP Chứng khoán BIDV nhận định.

Tương tự, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí cũng được đánh giá khả quan với doanh thu nửa đầu năm 2024 đạt 4.036 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 296 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 53% và 29,2% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, Tổng công ty Khí Việt Nam vận chuyển thành công chuyến hàng LNG đầu tiên bằng đường sắt từ miền Nam ra miền Bắc với số lượng 16 bồn LNG và cung cấp cho khách hàng từ ngày 11/9/2024, mở rộng bản đồ cung ứng LNG trên toàn quốc. 6 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty đạt 51,5 nghìn tỷ đồng doanh thu, cao hơn con số 43,7 nghìn tỷ đồng doanh thu cùng kỳ năm 2023.

Thông tin cập nhật từ PVN cho biết, 8 tháng năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của PVN đều hoàn thành vượt kế hoạch. Sản lượng khai thác dầu thô toàn Tập đoàn đạt 6,64 triệu tấn, vượt 20,2% kế hoạch 8 tháng. Sản lượng khai thác khí toàn Tập đoàn đạt 4,41 tỷ m3, vượt 29,2% kế hoạch… Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 650,4 nghìn tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch 8 tháng và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt trên 35,5 nghìn tỷ đồng, vượt 84% kế hoạch.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhận xét, đạt được kết quả này là do PVN đã đẩy mạnh liên kết chuỗi, phân ngành để tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nỗ lực tìm kiếm động lực mới. Bên cạnh đó, kinh tế 8 tháng qua tiếp tục tăng trưởng với nhiều chỉ số tốt, môi trường kinh doanh được cải thiện… Những yếu tố này thôi thúc DN nói chung, DN dầu khí nói riêng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Ông Thập cho rằng, nếu thị trường không có biến động lớn thì hoạt động kinh doanh của DN lĩnh vực dầu khí sẽ tiếp tục sáng cả trong ngắn, trung và dài hạn. Tuy nhiên, ông Thập lưu ý, khó khăn, thách thức cũng rất lớn, đòi hỏi các DN không ngừng nỗ lực, đổi mới sáng tạo…, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư