Triển vọng sáng của các nhà thầu dầu khí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn chính thức triển khai và Gói thầu Thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở (EPCI #1) với điều khoản giới hạn được trao cho nhà thầu cho thấy những nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ dự án của các bên liên quan. Nguồn công việc dồi dào từ chuỗi dự án Lô B - Ô Môn được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ, kỹ thuật dầu khí sau nhiều năm khó khăn do nguồn công việc trong nước sụt giảm.
PTSC là nhà thầu đầu tiên trong nhóm các nhà thầu dịch vụ kỹ thuật dầu khí được hưởng lợi từ nguồn công việc của chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
PTSC là nhà thầu đầu tiên trong nhóm các nhà thầu dịch vụ kỹ thuật dầu khí được hưởng lợi từ nguồn công việc của chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Cơ hội của các nhà thầu dầu khí

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa tổ chức lễ ký kết và triển khai chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn. Đây là chuỗi dự án khí, điện lớn nhất của Việt Nam được triển khai trong những năm gần đây, bao gồm: Dự án Phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án Đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD. Đây được đánh giá là chuỗi dự án quan trọng giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, bù đắp sự sụt giảm sản lượng của nhiều mỏ dầu khí khác tại Việt Nam đang ở cuối vòng đời khai thác.

Dự án Phát triển mỏ Lô B dự kiến cung cấp 5,06 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm trong thời gian 23 năm (từ khi khai thác dòng khí đầu tiên dự kiến vào năm 2026) cho tổ hợp 4 nhà máy điện khí với tổng công suất 3,8 GW. Liên danh Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) - McDermott (Mỹ) đã được trao Gói thầu EPCI #1 (bao gồm giàn vận hành trung tâm, khu sinh hoạt và một số giàn đầu giếng ước tính có tổng giá trị là 1,1 tỷ USD) thuộc Dự án với điều khoản giới hạn (giá trị ban đầu sẽ tương đối nhỏ cho đến khi đạt được quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của các nhà đầu tư Dự án).

Như vậy, PTSC là nhà thầu đầu tiên trong nhóm các nhà thầu dịch vụ kỹ thuật dầu khí được hưởng lợi từ nguồn công việc của chuỗi dự án vốn được chờ đợi nhiều năm qua. Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư thuộc Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá, PTSC sẽ bắt đầu thực hiện Gói thầu EPCI #1 từ giữa năm 2024, qua đó thúc đẩy cả doanh thu và lợi nhuận mảng cơ khí - xây lắp của Tổng công ty.

Cùng với PTSC, nhiều nhà thầu trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí khác cũng được đánh giá sẽ hưởng lợi từ nguồn công việc dồi dào của chuỗi dự án này như Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling), Công ty CP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PV Coating), Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ dầu khí (PV Chem, Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC)…

Chẳng hạn, PV Drilling được đánh giá sẽ có cơ hội tham gia hoạt động khoan trong giai đoạn xây dựng và phát triển kéo dài suốt 23 năm dự kiến của vòng đời Dự án (kể từ khi có dòng khí đầu tiên). Đồng thời, PV Chem - đơn vị chuyên cung cấp dung dịch khoan - dự kiến cũng sẽ có nguồn việc làm dồi dào. PV Coating, PTSC và các đơn vị thành viên của PTSC sẽ có nhiều cơ hội giành được hợp đồng EPC thuộc Dự án Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn có tổng chiều dài hơn 430 km với tổng mức đầu tư ước tính lên tới 1,2 tỷ USD.

Kết quả kinh doanh kỳ vọng hồi phục

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, PV Drilling đạt doanh thu thuần 4.033 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế 432,4 tỷ đồng, đảo chiều từ mức lỗ 168,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, qua đó vượt 209% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.

Việc duy trì hiệu quả công tác tìm kiếm hợp đồng cho thuê giàn khoan tại các thị trường nước ngoài giúp hiệu suất hoạt động của các giàn ở mức cao, góp phần cải thiện doanh thu của PV Drilling. Biên lợi nhuận cũng được cải thiện nhờ xu hướng tăng của giá thuê giàn khoan trên thị trường theo đà tăng của giá dầu và nhu cầu thuê tăng cao.

Với PTSC, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực với 12.595 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 13,6% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 606,2 tỷ đồng, tăng 33,6%, qua đó hoàn thành 95% mục tiêu doanh thu và vượt 8% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Trong bối cảnh khối lượng công việc tại các dự án dầu khí trong nước sụt giảm, PTSC đã tích cực tìm kiếm công việc ở thị trường nước ngoài. Bên cạnh các công việc cơ khí - xây lắp dầu khí truyền thống, PTSC còn tận dụng kinh nghiệm, thiết bị sẵn có để tham gia cung cấp dịch vụ cơ khí - xây lắp cho nhiều dự án điện gió gần bờ và xa bờ tại cả thị trường trong nước và quốc tế, thu về những kết quả khả quan. Trong 9 tháng đầu năm 2023, dịch vụ cơ khí, đóng mới và xây lắp trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng kết quả kinh doanh cho PTSC khi đem về 7.085 tỷ đồng doanh thu, tăng 29,5% so với cùng kỳ 2022 và chiếm 56,2% cơ cấu doanh thu hợp nhất.

Mặc dù thành công trong việc tìm kiếm hợp đồng tại thị trường nước ngoài và các công việc ngoài ngành được đánh giá giúp PV Drilling, PTSC vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng việc thực hiện hợp đồng các gói thầu tại thị trường nước ngoài tốn kém nhiều chi phí so với việc thực hiện các gói thầu tại thị trường trong nước, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận. Do đó, kết quả kinh doanh của PV Drilling, PTSC vẫn thấp hơn đáng kể giai đoạn năm 2014 trở về trước.

Với nhiều doanh nghiệp khác, tình hình kinh doanh còn khó khăn hơn. Tại PV Coating, dù nỗ lực tìm kiếm, bổ sung các nguồn công việc sơn chống ăn mòn, gia công kết cấu, sửa chữa, gia công cơ khí ngoài ngành dầu khí cũng như tìm kiếm hợp đồng từ các thị trường nước ngoài, Công ty vẫn báo lỗ 10/13 quý gần nhất (từ quý III/2020 đến nay). Trong 9 tháng đầu năm 2023, PV Coating báo lỗ trước thuế 8,8 tỷ đồng.

Nối tiếp Lô B - Ô Môn, các dự án dầu khí trong nước khác như Nam Du - U Minh, Sư tử trắng giai đoạn 2B, Lạc đà vàng… cũng được kỳ vọng sớm đẩy nhanh tiến độ, tạo nguồn công việc dồi dào cho các nhà thầu trong ngành.

Chuyên đề