Triển vọng sáng cho doanh nghiệp thép

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thép vẫn báo lãi quý III/2021 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành tiếp tục được dự báo khả quan trong quý cuối năm nhờ sự hồi phục của nền kinh tế và giá thép tiếp tục giữ ở mức cao.
Dự báo giá thép trên thế giới tiếp tục giữ ở mức cao cho đến năm 2022. Ảnh: Hoài Tâm
Dự báo giá thép trên thế giới tiếp tục giữ ở mức cao cho đến năm 2022. Ảnh: Hoài Tâm

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng tiêu thụ thép các loại trong tháng 9/2021 tăng trưởng trở lại sau khi giảm trong tháng trước đó. Lũy kế quý III/2021, sản lượng thép các loại tiêu thụ đạt 6,2 triệu tấn, tăng 0,81% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng tiêu thụ tăng nhẹ cùng với giá bán duy trì ở mức cao giúp các công ty thép công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý III/2021 bất chấp việc phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 kể từ tháng 7/2021.

Trong quý III/2021, sản lượng tiêu thụ của Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC chỉ bằng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá thép vẫn duy trì ở mức cao nên doanh thu thuần của SMC gần như đi ngang, ở mức 4.141 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện cùng với tiết giảm chi phí bán hàng, quản lý giúp lãi ròng quý III/2021 của Công ty tăng 30% so cùng kỳ năm 2020, đạt gần 127 tỷ đồng. Cùng với kết quả kinh doanh đột biến 6 tháng đầu năm, SMC ghi nhận lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng gấp 5,4 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 828 tỷ đồng.

Đặc biệt, một doanh nghiệp từng đứng trên bờ vực phá sản như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) ghi nhận doanh thu bán hàng quý III/2021 đạt gần 3.085 tỷ đồng, tăng 46,5% so với quý III/2020. Lãi sau thuế quý III/2021 đạt 10 tỷ đồng, gấp 25 lần lợi nhuận đạt được quý III năm ngoái. Tính chung 9 tháng, lãi sau thuế của Tisco đạt 113 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm 2020.

Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên ghi nhận hơn 910 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng đạt 105,7 tỷ đồng trong quý III/2021, tăng trưởng lần lượt 1,8% và 732% so với quý III/2020. Lũy kế 9 tháng, Thép Tiến Lên lãi ròng 423 tỷ đồng, gấp 424 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số doanh nghiệp lớn như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Thép Nam Kim và Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng được dự báo tích cực. Đơn cử như Hòa Phát hiện là đơn vị cung ứng chủ yếu thép cuộn cán nóng (HRC) cho thị trường Việt Nam. Với công nghệ luyện thép bằng lò thổi (BOF) hiện đại, Hòa Phát có thể sản xuất thép với giá thành cạnh tranh. Bên cạnh đó, Hòa Phát đang phát triển thêm các mảng sản xuất, chế tạo sản phẩm sau thép nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho thép HRC. Lợi nhuận quý III/2021 của Hòa Phát được dự báo tăng mạnh nhờ dòng sản phẩm này. Trong khi đó, với Thép Nam Kim, 80% sản lượng bán hàng trong quý III/2021 đến từ xuất khẩu nên ít bị ảnh hưởng từ giãn cách xã hội.

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cho năm 2020 - 2021 ở mức cao lịch sử so với trung bình 3 năm trước đó, tuy nhiên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay thấp hơn hẳn so với các năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thời gian tới, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, VCBS kỳ vọng nhiều dự án bất động sản bị đình trệ trong thời gian qua do giãn cách xã hội sẽ nhanh chóng thi công trở lại từ quý IV/2021, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.

Về giá thép, VCBS dự báo giá thép trên thế giới tiếp tục giữ ở mức như hiện tại cho đến năm 2022 trong bối cảnh Trung Quốc giảm sản lượng sản xuất thép hàng năm do các vấn đề về môi trường và hạn chế tiêu thụ năng lượng. Nhờ tiêu thụ nội địa hồi phục và xuất khẩu hưởng lợi về giá, doanh nghiệp ngành thép tiếp tục có triển vọng tích cực trong trung hạn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư