Triển vọng doanh nghiệp dầu khí năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi hoạt động thăm dò và khai thác tiếp tục sôi động tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật dầu khí năm 2024 thì các doanh nghiệp ở phân khúc trung và hạ nguồn đang phải đối mặt nhiều khó khăn.
Giá dầu bình quân vẫn neo ở mức cao tiếp tục thúc đẩy hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên toàn cầu. Ảnh: Hoàng Hà
Giá dầu bình quân vẫn neo ở mức cao tiếp tục thúc đẩy hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên toàn cầu. Ảnh: Hoàng Hà

Cơ hội ở phân khúc thượng nguồn

Năm 2023 là năm nhiều thuận lợi với các doanh nghiệp khối ngành dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Mặc dù giá dầu bình quân giảm so với năm 2022, nhưng vẫn neo ở mức cao, tiếp tục thúc đẩy hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) dầu khí trên toàn cầu, làm tăng nhu cầu và đơn giá các dịch vụ.

Tại Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), trong năm 2023, doanh thu hợp nhất ước đạt 20.224 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2022 và bằng 153% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.098 tỷ đồng, hoàn thành 141% kế hoạch cả năm. Định hướng tìm kiếm nguồn công việc và xây dựng vị thế tại các thị trường nước ngoài mà PTSC thực hiện trong giai đoạn khó khăn kéo dài 2016 - 2021 đã đem lại kết quả tích cực khi thị trường “ấm” trở lại. Tỷ trọng doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài năm 2023 đạt trên 55%, cao hơn so với những năm trước.

Tại Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling), doanh thu ước đạt 5.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, lần lượt vượt 10% và 300% so với kế hoạch năm 2023. Nhu cầu thuê giàn khoan tăng trên thị trường kéo theo giá thuê giàn gia tăng, trở thành yếu tố thúc đẩy kết quả hoạt động kinh doanh cốt lõi của PV Drilling phục hồi.

Khối phân tích Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, hoạt động E&P sôi động hơn làm tăng nhu cầu thăm dò và phát triển các mỏ dầu khí cũng như nhu cầu khoan cao hơn, đặc biệt đối với phân khúc khoan ngoài khơi đã đẩy giá thuê của các giàn khoan tự nâng IC 360-400 lên khoảng 120 - 150 nghìn USD/ngày (từ mức thấp 60 nghìn USD/ngày trong năm 2021), và giá thuê giàn khoan nửa chìm nửa nổi được đẩy lên mức 250 - 300 nghìn USD/ngày (cao hơn gấp đôi so với mức đáy gần đây). Theo S&P Global, công suất giàn khoan đạt gần 90%, cao hơn so với công suất năm 2022 từ 75 - 80%.

Năm 2024, các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật dầu khí như PTSC, PV Drilling được đánh giá có nhiều thuận lợi nhờ giá dầu trung bình duy trì trên mức 70 USD/thùng, đủ mang lại lợi nhuận cho phần lớn dự án E&P và giúp duy trì nguồn công việc dồi dào cho các nhà thầu ở đơn giá tốt.

Tại thị trường trong nước, năm 2023 ghi nhận những chuyển biến tích cực trong các dự án dầu khí lớn, trong đó có đại dự án Lô B - Ô Môn.

Vào tháng 10/2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Lễ khởi công đại dự án khí - điện Lô B - Ô Môn và trao Gói thầu EPCI #1 (có tổng giá trị 1,1 tỷ USD) với điều khoản giới hạn cho Liên danh PTSC - McDermott (Mỹ). Tại gói thầu này, PTSC đảm nhận phần công việc có giá trị gần 493 triệu USD, ước tính lợi nhuận tạo ra khoảng 4% trên giá trị hợp đồng. Tháng 1/2024, Tổng công ty tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, xin ý kiến cổ đông chấp thuận cho triển khai gói thầu này.

Cũng tại Dự án Lô B, tháng 11/2023, Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC, công ty con của PTSC, được trao Gói thầu EPCI #2 Thiết kế, mua sắm, chế tạo và lắp đặt giàn thu gom/giàn đầu giếng và hệ thống đường ống nội mỏ.

Bên cạnh Dự án Lô B, nhiều dự án khác đang được đẩy nhanh tiến độ, như Dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2B đang được cập nhật báo cáo tiền khả thi; Dự án Mỏ Lạc Đà Vàng thuộc bể Cửu Long có quyết định đầu tư cuối cùng vào cuối năm 2023 với tổng giá trị đầu tư là 700 triệu USD… đem lại triển vọng nguồn việc dồi dào cho các doanh nghiệp.

Lợi nhuận nhóm trung và hạ nguồn dự báo sụt giảm

Trong khi doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật dầu khí ở phân khúc thượng nguồn có triển vọng kinh doanh tích cực thì ở nhóm trung và hạ nguồn, tình hình lại được dự báo khó khăn hơn.

Theo Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), ước tính năm 2023 đạt trên 93 nghìn tỷ đồng doanh thu hợp nhất và trên 11 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với kết quả năm 2022. Bên cạnh việc giá dầu đi xuống, kết quả kinh doanh của PV GAS còn chịu ảnh hưởng bởi xu hướng giảm sản lượng khí khai thác của các mỏ khí hiện hữu, trong khi các dự án mới chưa tạo được nguồn cung bù đắp. Diễn biến này tiếp tục là khó khăn của PV GAS trong năm 2024.

Với Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), ngay trước thời điểm kết thúc năm 2023, Công ty công bố Nghị quyết của HĐQT điều chỉnh kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 theo hướng tăng hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh chính so với kế hoạch cũ, bao gồm chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất lên 4.867,7 tỷ đồng, gấp 3 lần kế hoạch cũ. Tuy vậy, sau 9 tháng của năm 2023, BSR đạt lợi nhuận sau thuế 6.186 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch lợi nhuận thông qua ở thời điểm cận kề kết thúc năm của Công ty thấp hơn so với kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2023, báo hiệu kết quả quý IV kém khả quan.

Năm 2024, việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ dừng máy để tiến hành đợt bảo dưỡng tổng thể định kỳ vào tháng 3 và 4 được đánh giá sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và doanh thu của BSR.

Với các doanh nghiệp phân phối xăng dầu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hay Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL), việc giá dầu “lao dốc” trong quý IV/2023 làm tăng gánh nặng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh. PVOIL ước lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2023 đạt khoảng 750 tỷ đồng, thấp hơn mức lợi nhuận 9 tháng là 837 tỷ đồng. Petrolimex ước lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 3.580 tỷ đồng, tương đương kết quả thấp trong quý IV bởi lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đã đạt 3.082 tỷ đồng.

Petrolimex và PVOIL được đánh giá đang hưởng lợi từ việc Chính phủ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, giúp các doanh nghiệp lớn cải thiện thị phần. Việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu xuống 7 ngày, điều chỉnh các yếu tố trong công thức tính giá xăng dầu theo từng quý giúp phản ánh chi phí hoạt động của nhà phân phối kịp thời hơn. Tuy nhiên, biên lợi nhuận của Petrolimex và PVOIL vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ biến động bất thường của giá dầu trên thị trường thế giới, nhất là trong những giai đoạn giảm giá. Tình hình căng thẳng của thị trường vận tải biển, làm tăng chi phí vận chuyển và nhiều loại chi phí khác cũng có thể tác động tiêu cực khi các chi phí định mức chưa được điều chỉnh.

Riêng tại Petrolimex, năm 2023, Tổng công ty có khoản lợi nhuận 645 tỷ đồng từ thương vụ thoái 40% vốn tại PGBank (nay là Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển). Việc không còn khoản lợi nhuận thoái vốn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của Tổng công ty thời gian tới.

Chuyên đề