Triển vọng ảm đạm của doanh nghiệp ngành dệt may

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh đơn hàng bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu dệt may nửa cuối năm 2020 dự báo tiếp tục giảm.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu
năm 2020 ước đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may trong nước, đặc biệt là xuất sang các thị trường chính như Mỹ, EU đều giảm mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong điều kiện bình thường, quy mô ngành dệt may Việt Nam đã vượt quá xa nhu cầu nội địa với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 90% và 10% còn lại phục vụ nhu cầu trong nước. Việc trông đợi vào thị trường nội địa là không hề dễ dàng.

Dịch Covid-19 không chỉ khiến đơn hàng xuất khẩu bị đình trệ, bị huỷ mà còn khiến khách hàng của doanh nghiệp bị phá sản. Có thể kể tới trường hợp của New York & Company - đối tác đến từ Mỹ đóng góp tới 13% tổng doanh thu năm 2019 cho Công ty CP May Sông Hồng. Theo đó, vào giữa tháng 7 vừa qua, công ty mẹ của New York & Company là RTW Retailwinds ở Mỹ đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Tính đến cuối quý II/2020, May Sông Hồng vẫn chưa trích lập dự phòng phải thu khó đòi đối với khoản 219 tỷ đồng với New York & Company. Doanh thu của Công ty trong quý II/2020 đã giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 962 tỷ đồng, lãi ròng giảm 55% xuống 58 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, Công ty lãi ròng 122 tỷ đồng, giảm 44% so với nửa đầu năm 2019.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm với các sản phẩm có giá trị cao như: veston, sơ mi cao cấp, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

Không chỉ May Sông Hồng, nhiều doanh nghiệp may khác cũng gặp khó khăn. So với cùng kỳ năm 2019, Tổng công ty CP May Việt Tiến báo lãi quý II/2020 giảm 40% còn 52,5 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đạt 32,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II, giảm 42%; Tổng công ty May Hưng Yên lãi ròng 19,7 tỷ đồng, giảm 63%; Tổng công ty May Nhà Bè lỗ 15,3 tỷ đồng…

Trong vòng xoáy khó khăn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ghi nhận doanh thu bán hàng trong quý II/2020 giảm 36% xuống còn 3.082 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 120 tỷ đồng, giảm 22%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinatex lãi ròng 276,2 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vinatex cho biết, nhiều doanh nghiệp may đã chuyển sang may khẩu trang trong nỗ lực duy trì việc làm cho công nhân, hạn chế tổn thất do dịch bệnh. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có các đơn hàng khẩu trang đến hết quý III/2020, nhưng biên lợi nhuận chưa cao do có tới 80% các đơn hàng làm khẩu trang theo hình thức gia công, chưa tạo được nhiều giá trị thặng dư. Trong giai đoạn tới, khi thị trường bão hòa, xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động giảm sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn hơn nữa vào những tháng cuối năm.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc cả nước 7 tháng ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; vải mành, vải kỹ thuật khác giảm 40%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, báo cáo cho biết, tính đến hết tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm với các sản phẩm có giá trị cao như: veston, sơ mi cao cấp, trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ hỗ trợ việc làm cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

Với tình hình khó lường của dịch Covid-19, Vinatex dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm từ 14 - 18% so với cùng kỳ năm 2019, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 32,75 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2019.

Chuyên đề