Hai bên thống nhất về nguyên tắc sẽ tiếp tục hợp tác, triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản với phương pháp tiếp cận, cách thức triển khai mới phù hợp với thực tế. Ảnh: Đức Trung |
Triển khai tốt 26 hạng mục
Ngày 7/12/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tổ chức cuộc họp cấp cao Ủy ban hỗn hợp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VI.
Kế hoạch hành động giai đoạn này gồm 7 nhóm vấn đề với 32 hạng mục liên quan đến lao động; tiền lương; dịch vụ logistics - vận tải; dịch vụ; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh; phân phối dược phẩm. Sau 16 tháng triển khai, từ tháng 8/2016, về cơ bản, hai bên đã thực hiện tốt Kế hoạch hành động giai đoạn VI với 26 hạng mục triển khai tốt hoặc đang được triển khai và chỉ có 6 hạng mục chưa triển khai. Các hạng mục hoàn thành tốt gồm các vấn đề liên quan đến dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ logistics - vận tải, lao động.
Kết quả này thể hiện nỗ lực chung của các bên liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc, hoàn thiện chính sách, đồng thời minh chứng cho sự quyết tâm của Chính phủ trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả đạt được, hai bên thống nhất về nguyên tắc sẽ tiếp tục hợp tác, triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản với phương pháp tiếp cận, cách thức triển khai mới phù hợp với thực tế. Bên cạnh các nhóm vấn đề doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, giai đoạn VII cần đề cập tới những vấn đề vĩ mô gắn với những khuyến nghị chính sách lớn, khả thi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa đầu tư của Nhật Bản và Việt Nam, củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai quốc gia.
Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam
Thông tin tại Cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, các tổ chức quốc tế xếp hạng, đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam có nhiều cải thiện, Việt Nam đang trở thành điểm đến rất hấp dẫn và đang có làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất mạnh mẽ, đặc biệt từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… Dự kiến năm nay thu hút FDI đạt con số kỷ lục, là một minh chứng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện, hấp dẫn.
Có được kết quả này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tín dụng, đất đai, xây dựng, thành lập và giải thể doanh nghiệp,…
“Hệ thống pháp luật của Việt Nam đang tiếp tục được hoàn thiện theo hướng minh bạch hơn, có khả năng giải trình hơn và dễ thực thi hơn, trong đó có phần đóng góp đáng kể của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định tại cuộc họp.
Sáng kiến này cũng góp phần đưa đến kết quả đầu tư ấn tượng của Nhật Bản tại Việt Nam. Tính trong 11 tháng năm 2017, Nhật Bản hiện đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 8,94 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Lũy kế đến cuối tháng 11/2017, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với 3.577 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 49 tỷ USD. Các dự án của nhà đầu tư Nhật Bản được đánh giá là có chất lượng cao, có nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Bên cạnh đó, 20 năm qua, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với tổng vốn ODA khoảng 25 - 27 tỷ USD, chủ yếu dành cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Tại Cuộc họp, đại diện Nhật Bản đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong hoàn thiện thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phía Nhật Bản khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến tăng năng suất lao động, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết cấu hạ tầng… và Nhật Bản sẽ đồng hành với Việt Nam giải quyết những vấn đề này. Đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.