Xa lộ Hà Nội tại TP.HCM - công trình mang dấu ấn CII |
Được chủ động là lợi thế
Được thành lập năm 2001, CII có ba cổ đông sáng lập là Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị TP.HCM (HFIU) - nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), Công ty Sản xuất Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ XNK Thanh niên xung phong TP.HCM (VYC) và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ TP.HCM (INVESCO).
Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, CII đang hàng ngày đóng góp sức lực thay đổi diện mạo đất nước. Có thể kể đến các công trình mang dấu ấn của CII như: Cao tốc Trung Luơng Mỹ Thuận, Cầu Sài Gòn 2, Cầu Bình Triệu 1, Cầu Rạch Chiếc, Xa lộ Hà Nội giai đoạn 2...
Trao đổi với Báo đấu thầu, ông Lê Quốc Bình cho biết trong quá trình thực hiện các dự án theo hình thức BT, BOT, Công ty nhận thấy có những thuận lợi cơ bản về mặt pháp lý. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có thể tự chủ, ít bị ràng buộc và chi phối bởi các quy định của Nhà nước khi triển khai các thủ tục pháp lý của dự án (từ bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, kinh doanh dự án…). Vì vậy, công tác triển khai thực hiện dự án sẽ nhanh hơn.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 44 “Lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án” của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP thì: “Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ban hành quy chế lựa chọn nhà thầu tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp và nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế để áp dụng thống nhất trong quá trình thực hiện dự án”. Điều này có nghĩa rằng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có quyền chủ động lựa chọn hình thức lựa chọn các nhà thầu thực hiện dự án, từ đó tạo điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chủ động lựa chọn các đối tác có năng lực, kinh nghiệm… phù hợp với tính chất của từng dự án để triển khai thực hiện.
Nhiều khó khăn phải vượt qua
Đại diện CII cho biết, trong bối cảnh hiện nay, sẽ ít có cơ hội để các nhà đầu tư thực hiện dự án BOT, BT mà đảm bảo khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận nhanh. Trong lĩnh vực giao thông, đối với dự án BOT thì khả năng hoàn vốn bằng thu phí giao thông phụ thuộc rất lớn vào lưu lượng xe, mức phí giao thông. Trong khi hiện nay, tại các địa phương trên cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng, đã có rất nhiều dự án đã và đang được các nhà đầu tư triển khai thu phí giao thông để hoàn vốn đầu tư; các dự án này đều nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn… như tuyến quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ đi qua các địa phương, các tuyến đường trục của các địa phương…; mức phí giao thông lại được Nhà nước quy định theo khung trần cho phép.
Với các dự án BT, hiện nay, phương án hoàn vốn đầu tư thông qua việc trả bằng tiền ngân sách nhà nước không còn được phép áp dụng; chỉ được áp dụng hình thức hoàn vốn thông qua việc hoàn trả bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khác. Trong khi đó, thực tế hiện nay quỹ “đất vàng” có tính thanh khoản cao, có sức hút lớn tại TP.HCM cũng như tại các địa phương… không có nhiều, nên cũng ít cơ hội cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trong tình hình thị trường bất động sản đang “đóng băng” cũng sẽ rất khó khăn cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.
Không chỉ về vấn đề hoàn vốn, công tác lựa chọn nhà đầu tư cũng gặp phải một số khó khăn đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đó là phải bố trí nguồn vốn để lập dự án đầu tư, lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư, chi phí tổ chức lựa chọn nhà đầu tư… Bên cạnh đó, hiện nay công tác lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư cũng chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể về các tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp về năng lực, kinh nghiệm cũng như có nhiều thế mạnh đặc thù đối với tính chất của mỗi dự án… Do đó, trên thực tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng đang lúng túng trong việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu.
Hiện nay, khi xem xét năng lực tài chính để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, cơ quan quản lý nhà nước thường xem xét việc đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, trong đó thực hiện việc đối chiếu, so sánh tổng nguồn vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư đang có (thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán) phải đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu được phân bổ vào các dự án đang và sẽ triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường chỉ chuẩn bị nguồn vốn chủ sở hữu để đáp ứng thực hiện các dự án đang triển khai, rất ít nhà đầu tư chuẩn bị sẵn nguồn vốn chủ sở hữu “để chờ” được thực hiện đầu tư các dự án tiếp theo. Đây thật sự là một khó khăn khách quan. Việc chứng minh vốn chủ sở hữu do vậy gặp rất nhiều trở ngại.
Ngoài ra, thẩm quyền thực hiện công tác thẩm tra, thẩm định và phê duyệt đối với các bước thực hiện dự án có nhiều thay đổi và chưa được quy định thật sự rõ ràng. Do đó cũng gây ra một số khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức thực hiện của các nhà đầu tư cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt đối với các dự án có thời gian thực hiện kéo dài, dự án phải xử lý chuyển tiếp. Đơn cử, đối với Công ty CII đang triển khai đầu tư thực hiện dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội (kéo dài từ năm 2008 đến nay do vướng GPMB) hiện đang tồn tại khó khăn trong quá trình triển khai các quy định về chuyển tiếp liên quan đến Nghị định 78/2007/NĐ-CP, Nghị định 12/2009/NĐ-CP và Nghị định 108/2009/NĐ-CP.
Ngoài ra, quy định về công tác giám sát nhà nước đối với các dự án BT, BOT đã được đề cập tại Điều 47 và Điều 48 của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn chưa rõ ràng và cụ thể, dễ gây “dẫm chân” với công tác giám sát chất lượng công trình (do đơn vị tư vấn giám sát của nhà đầu tư thực hiện). Bên cạnh đó, định mức chi phí tổ chức thực hiện công tác giám sát nhà nước chưa được ban hành, gây khó khăn khi tổ chức thực hiện.
Để thành công trong các dự án PPP, bên cạnh sự nỗ lực của nhà đầu tư, rất cần sự chung tay tháo gỡ của các cơ quan chức năng để cùng vượt qua khó khăn, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực tham gia các dự án PPP – những “mảnh đất” đầy tiềm năng ở Việt Nam - đại diện CII nhấn mạnh.