Toàn cảnh buổi họp. Ảnh: mpi.gov.vn |
Trong giai đoạn trước đây, việc lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 15/2016/TT-BKHĐT và Thông tư số 16/2016/TT-BKHĐT. Tuy nhiên, quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với 2 loại dự án trên có nhiều điểm tương đồng (về các bước thực hiện, tiêu chí đánh giá năng lực tài chính, kinh nghiệm...). Vì vậy, nhằm tạo tính thống nhất, Bộ KH&ĐT xây dựng Thông tư hướng dẫn chung cho cả 2 loại dự án trên.
Để đảm bảo nội dung quy định tại Thông tư phù hợp với thực tiễn triển khai của các dự án, buổi họp có sự tham dự của đại diện một số cơ quan, địa phương và doanh nghiệp như: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh, Sở KH&ĐT TP.HCM, Sở KH&ĐT TP. Hải Phòng, Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, Tập đoàn Vingroup, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Các đại biểu tham gia thảo luận góp ý đối với 5 nội dung trong Thông tư bao gồm: Quy định liên quan đến việc xác định dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP; Tiêu chí đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư; Tiêu chí đánh giá kinh nghiệm của nhà đầu tư; Lãi vay huy động vốn đầu tư do nhà đầu tư đề xuất; Xác định giá trị m3 đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất.
Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu trực tiếp nêu ra những vướng mắc từ thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật, từ đó đề xuất đa dạng các ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Thông tư.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ sớm hoàn thiện và ban hành Thông tư trong tháng 7.
Thông tư hướng dẫn Nghị định số 25/2020/NĐ-CP có tác động rất lớn đến hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như triển khai các dự án đầu tư tại các bộ ngành, các địa phương. Việc tham vấn rộng rãi ý kiến sẽ giúp các quy định trong Thông tư trở nên hoàn thiện, bao quát, tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập hiện nay.