Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Hai điểm nhấn quan trọng
Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hội nghị thu hút hơn 2.000 đại biểu đến từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng gần 10.000 đại biểu theo dõi trực tuyến tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có lãnh đạo các tỉnh, lãnh đạo cấp sở, ngành của các địa phương… Đáng chú ý, trong số 2.000 đại biểu trực tiếp dự Hội nghị thì có tới 1.500 đại biểu doanh nghiệp tư nhân.
Hội nghị năm nay có hai điểm nhấn rất quan trọng. Thứ nhất, Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII thống nhất thông qua các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu các DNNN và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị là bước triển khai trực tiếp đầu tiên chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5.
Thứ hai, Hội nghị thống nhất đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo dựng niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển; tác động rất lớn đến bộ máy cơ quan nhà nước các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức. Chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp lại sôi động, mạnh mẽ, có sức sống như thời gian vừa qua.
Sau một năm triển khai Nghị quyết 35, trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 110.100 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 900 nghìn tỷ đồng, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay. 4 tháng đầu năm 2017, có gần 40.000 doanh nghiệp thành lập mới. Theo cam kết của các địa phương về phát triển doanh nghiệp, thì tới năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp.
Những con số trên là minh chứng cho môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện, là cơ sở để có thể tin tưởng đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020.
Bình đẳng giữa công và tư trong hoạt động kinh tế
Bên cạnh đó là vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp dẫn đến hiện tượng “cò” thực thi chính sách; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; tình trạng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng; tiếp cận thị trường; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả gây phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp...
Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp và nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo ngành, địa phương phải thực hiện những nhiệm vụ này.
“Với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 kết thúc rất thành công khi đánh giá một cách toàn diện những công việc đã làm được và chưa làm được sau Hội nghị 2016 để từ đó có các chính sách phù hợp. Nhiều cam kết chính sách quan trọng được người đứng đầu Chính phủ đưa ra đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nhân.