Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton bắt tay sau khi phiên tranh luận kết thúc. Ảnh: Reuters |
Phiên tranh luận trực tiếp lần thứ hai giữa ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump được tổ chức tại Đại học Washington, thành phố St. Louis, bang Missouri. Chi phí tổ chức rơi vào khoảng từ 4 đến 5 triệu USD. Tuy nhiên, hai triệu USD trong số này sẽ do Ủy ban Tranh luận Tổng thống chi trả, Business Insider dẫn lời một đại diện của Đại học Washington nói với kênh truyền hình KMOV.
Số tiền còn lại được dùng để chi cho công tác an ninh, kiểm soát đám đông cũng như cung cấp các trang thiết bị, không gian làm việc cần thiết cho đội ngũ vận hành bộ máy tranh cử của hai ứng viên cùng các nhà báo, phóng viên.
Taylor Reveley, chủ tịch Đại học Longwood, nơi diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng viên phó tổng thống Mỹ hôm 4/10, cho biết toàn bộ chi phí cho sự kiện này là khoảng 5,5 triệu USD.
Theo ông Reveley, số tiền trên đến từ hoạt động gây quỹ, không phải từ học phí mà sinh viên đóng cho nhà trường.
Dù tổ chức những phiên tranh luận tổng thống Mỹ khá đắt đỏ nhưng đối với các trường đại học đứng ra đăng cai sự kiện, đây là một khoản chi xứng đáng.
Đại học Washington trang hoàng quảng bá cho phiên tranh luận tổng thống lần hai. Ảnh: Washington University
Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa ông Trump và bà Clinton đã đi vào lịch sử khi có tới 84 triệu người theo dõi, phá vỡ kỷ lục cách đây 36 năm trong cuộc đối đầu giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Jimmy Carter và Ronald Reagan. Công ty nghiên cứu truyền thông Deep Root Analytics ước tính cuộc tranh luận trực tiếp lần hai giữa ông Trump và bà Clinton có khả năng thu hút đến 89 triệu người xem. Vì thế, đây rõ ràng là cơ hội quảng bá tuyệt với.
Các trường từng tổ chức tranh luận tổng thống trước đây tính toán hiệu quả quảng bá mà chương trình mang lại tương đương với việc bỏ ra số tiền từ 45 đến 50 triệu USD để quảng cáo. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để sinh viên có thể tận mắt thấy cách mà hệ thống dân chủ hoạt động.
"Mùa bầu cử tổng thống không khác gì giải vô địch bóng bầu dục Super Bowl", ông Reveley so sánh.
Phòng truyền thông tại đại học Washington. Ảnh: Reuters