Đêm trên công trường Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Bích Thảo |
Thời điểm khép lại năm 2022 đang đến gần cũng là thời hạn phải thông xe kỹ thuật 4 dự án cao tốc thành phần gồm: Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trên công trường, tiếng máy xúc, máy ủi, máy san, máy lu rung và tiếng nghiền xát đá của các trạm trộn bê tông gần như không có giây phút nào ngơi nghỉ. Thâu đêm, ánh đèn luôn sáng trưng, làm bạn với những cán bộ, kỹ sư, công nhân miệt mài nỗ lực.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Hữu Hoàn, Giám đốc Ban Điều hành của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tại Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 cho biết, giờ đang là những ngày cuối rốt ráo để cán đích thông xe kỹ thuật công trình vào 31/12/2022 nên dù có mệt, anh em trên công trường vẫn luôn động viên nhau vượt qua. Trong hơn 2 năm bám trụ công trường trên đoạn tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45, khó khăn lớn nhất là xử lý nền đất yếu gần 50% chiều dài tuyến. Thời gian xử lý nền đất yếu mất hơn 12 tháng, bao lo lắng, hồi hộp vẫn còn đeo đẳng đến ngày hôm nay bởi nếu chỉ một khâu, một bước xử lý không đúng kỹ thuật là có thể phát sinh hệ lụy đối với chất lượng công trình sau này.
Ông Hoàn nhớ lại, có những đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu sâu đến 30m dưới lòng đất, không chỉ đơn giản là đào thay đất mà phải xử lý thoát nước cố kết bằng bấc thấm, bằng giếng cát. Một số phạm vi được thiết kế xử lý bằng phương pháp thoát nước cố kết (giếng cát, bấc thấm) có độ lún cao hơn hoặc sai khác so với số liệu dự báo, tính toán. Khi thời gian lưu tải đã quá so với thời gian tính toán dự kiến, nhưng độ cố kết, độ lún còn lại vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa đủ điều kiện để dỡ tải, thi công các lớp kết cấu nền, áo đường, Nhà thầu đứng ngồi không yên vì nếu không dứt điểm được khâu này, chắc chắn tiến độ thi công sẽ bị chậm và kế hoạch cán đích thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022 sẽ chỉ là “giấc mộng không thành”.
Cận kề ngày cán đích, khi được hỏi liệu các nhà thầu có sắp được yên tâm “kê cao gối”, ông Hoàn xua tay cho biết: “Ngày 31/12/2022 là thông xe kỹ thuật, lưu thông được trên tuyến chính, nhưng các phần việc hoàn thiện hạ tầng 2 bên, đường hộ lan can, dải phân cách, hệ thống báo hiệu giao thông… phải nỗ lực hoàn thành để cuối quý I/2023 đưa vào sử dụng (thời hạn là ngày 30/4/2023). Đường găng tiến độ thi công xác định thời điểm hoàn thành công trình đều tính trong điều kiện bình thường, nhưng trong thực tế thi công, nhà thầu gặp nhiều lực cản, khó khăn từ dịch Covid-19, thiếu nguồn cung vật liệu, thời tiết thất thường… Chỉ mong từ nay đến ngày hoàn thiện toàn bộ công trình, thời tiết luôn thuận lợi thì mọi nỗ lực của anh em trên công trường sẽ đạt được đích đến mong muốn”.
Đẩy nhanh công tác san gạt mặt bằng gần 5.000 ha để đáp ứng tiến độ gấp gáp của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Tuấn Dũng |
Bên cạnh các dự án cao tốc, một siêu dự án khác được xác định tầm quan trọng quốc gia là Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự án này đang được đẩy nhanh tiến độ san gạt mặt bằng gần 5.000 ha để khởi công hợp phần chính của công trình vào đầu năm 2023.
Trên công trường đất đỏ rộng lớn của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, tranh thủ mọi lúc thời tiết thuận lợi, Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) - Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Công ty CP Tư vấn Trường Sơn tích cực triển khai Gói thầu số 3.4 Thi công xây dựng công trình san nền và thoát nước, khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công (giá trúng thầu 4.411,62 tỷ đồng).
Đại diện Vinaconex cho biết, để đáp ứng được tiến độ gấp gáp của đại Dự án, thời gian qua, Vinaconex đã huy động tới 735 nhân sự và hơn 600 thiết bị, máy móc phục vụ thi công trên công trường. Nhà thầu hiện giờ không tính đến lời lỗ, chỉ dồn lực hoàn thành công việc, đảm bảo tiến độ, đáp ứng nhiệm vụ để đảm bảo uy tín, danh dự và trách nhiệm trước Nhà nước và Nhân dân. Tuy nhiên, để nhà thầu có “đất” triển khai thi công tiếp, hoàn thành san gạt một khối lượng mặt bằng khổng lồ như vậy, rất cần sự đồng thuận, đồng lòng di dời của người dân trong diện giải phóng mặt bằng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Trung tá Trần Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng công trường tại Gói thầu số 3.4 của Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC cho biết, ACC huy động hơn 500 đầu thiết bị lớn và hơn 600 nhân sự ngày đêm bám trụ ở công trường. Trên đại công trường đất đỏ này, ban đêm ánh đèn vẫn sáng rực và đội ngũ kỹ sư, công nhân vẫn làm việc hết công suất, thậm chí còn làm nhiều hơn ban ngày. Chúng tôi lập bản đồ san gạt mặt bằng như sơ đồ trận đánh, chỗ nào giải phóng xong thì làm luôn, chỗ nào còn nhà dân chưa di dời thì bằng mọi cách tiếp cận và thuyết phục họ. Các thành viên trong Liên danh cũng cam kết và nỗ lực phối hợp để triển khai “cuốn chiếu”, phân chia công việc một cách hợp lý để thuận lợi trong thực hiện. Liên danh nhà thầu đang dốc lực để tháng 6/2023 cơ bản đạt được 80 - 90% mặt bằng tổng thể, có thể triển khai thi công đường lăn và sân đỗ máy bay.
Ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, có lăn lộn trên công trường mới thấm thía mồ hôi và sự vất vả của các nhà thầu khi tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ công trình, bởi thực tế thi công bao giờ cũng phát sinh nhiều khó khăn hơn dự tính ban đầu. Ngoài hiện trường, nhà thầu liên tục triển khai “3 ca 4 kíp” thì cán bộ của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát thi công cũng phải bám công trường 24/24 giờ để kiểm soát chặt về mặt chất lượng, không để xảy ra bất kỳ sai sót nào. Thấu hiểu những khó nhọc của nhà thầu, Chủ đầu tư luôn động viên và đồng hành, kịp thời cùng nhà thầu tháo gỡ khó khăn để công trình hoàn thành đúng hẹn và sớm đưa vào sử dụng.