Trăn trở tiến độ dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không ít dự án đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục chậm tiến độ dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư. Trong khi đó, việc thực hiện các dự án đầu tư mới cũng không được thúc đẩy, có nguy cơ hạn chế đóng góp của khu vực DNNN đối với nền kinh tế trong 5 năm tới.
Hàng loạt dự án nguồn và lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chậm tiến độ do gặp vướng mắc. Ảnh: Lê Tiên
Hàng loạt dự án nguồn và lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam chậm tiến độ do gặp vướng mắc. Ảnh: Lê Tiên

Khó đẩy nhanh tiến độ do nhiều nguyên nhân

Thông tin tại Hội nghị về DNNN vừa diễn ra, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, năm nay, EVN đầu tư hơn 94.860 tỷ đồng (gồm 55.000 tỷ đồng đầu tư vào các dự án và 39.860 tỷ đồng trả nợ gốc và lãi vay), thuộc diện lớn nhất trong các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân 8 tháng đầu năm chậm, dồn áp lực lên quý IV/2023. Một trong những nguyên nhân là khung thể chế đang có nhiều điểm vướng để đưa các nguồn lực của các DNNN vào đầu tư.

Theo ông An, quy trình, thủ tục cho đầu tư lĩnh vực năng lượng được áp dụng theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), có quá nhiều bước, nên quá trình ra quyết định chậm. Hiện nay vẫn chưa đồng bộ trong các quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu dẫn đến khó xác định cơ quan chủ quản và chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Trong báo cáo cập nhật thông tin về tình hình thực hiện các dự án điện trọng điểm gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, EVN cho biết, đến cuối tháng 8/2023, hàng loạt dự án cả nguồn và lưới điện của Tập đoàn chậm tiến độ do gặp vướng mắc. Có thể kể đến Dự án Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống nhằm phục vụ mua điện từ Lào về cung ứng cho miền Bắc, Dự án Trạm cắt 220kV Đak Ooc và đường dây 220kV đấu nối...

Theo EVN, nguyên nhân nổi cộm là các dự án này gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; việc áp dụng tiêu chuẩn mới trong công tác thiết kế dẫn đến phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt lại báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án; danh mục các dự án điện chưa đầy đủ, rõ ràng...

Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho thấy, giải ngân vốn đầu tư 8 tháng đầu năm nay của PVN còn thấp so với kế hoạch do có nhiều “nút thắt” ở một số dự án có kế hoạch vốn lớn như: Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4, Nhà máy Điện Ô Môn III và Ô Môn IV... Vì thế, áp lực thực hiện kế hoạch đầu tư còn lại của Tập đoàn những tháng cuối năm 2023 là rất lớn.

Báo cáo về tình hình đầu tư phát triển của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc trong 8 tháng năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cho hay, các đơn vị này mới giải ngân hơn 87.270 tỷ đồng vốn đầu tư, bằng 42% kế hoạch năm. Một số dự án đầu tư chậm tiến độ, công tác thanh quyết toán xây dựng kéo dài làm giảm hiệu quả nguồn lực… Nguyên nhân thì có nhiều, cả khách quan và chủ quan như: giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao làm chi phí sản xuất tăng; thời tiết không thuận ảnh hưởng đến tiến độ thi công; vướng mắc về thủ tục đầu tư kinh doanh…

Tháo gỡ thế nào?

Đề xuất hướng thúc đẩy đầu tư các dự án năng lượng trong bối cảnh nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng liên tục tăng cao, ông Đặng Hoàng An đề nghị, cấp có thẩm quyền cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư các dự án điện. EVN thấy cần có cơ chế đặc thù cho phát triển dự án năng lượng. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, HĐTV các tập đoàn cần được phân cấp nhiều hơn để làm cơ sở phân cấp tiếp, thúc tiến độ các dự án.

Để khu vực DNNN đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển đất nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông kiến nghị một số giải pháp trọng tâm thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển của DNNN.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, trên cơ sở bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các cơ quan đại diện chủ sở hữu ở Trung ương và địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chỉ đạo các DN khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm và hàng năm. Trong đó, tập trung vào các dự án đầu tư quy mô lớn, có tác động lan tỏa tới sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu tập trung chỉ đạo các DN, tập đoàn, tổng công ty đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng các dự án đầu tư lớn, quan trọng như: các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Ialy, Trị An mở rộng; các nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Ô Môn III và IV; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Cảng hàng không Điện Biên…

Trước phản ánh tiến độ triển khai các dự án đầu tư thời gian qua chậm một phần do vướng mắc về thủ tục đầu tư kinh doanh, trong đó nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị, các cơ quan cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện, trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ triệt để khó khăn cho DN, thúc đẩy đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nỗ lực tối đa để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, công tác thanh quyết toán; phối hợp với địa phương, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án…

Chuyên đề