“Trận chiến” với lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong hơn 18 tháng qua, lạm phát ở mức cao chính là cơn đau không dứt với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, trở thành bóng ma ám ảnh thị trường tài chính và tạo sức nặng lên tâm trí không chỉ giới đầu tư mà còn cả người tiêu dùng toàn cầu. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lịch sử của thế giới hậu đại dịch sẽ được định nghĩa bằng câu chuyện về cuộc chiến của các ngân hàng trung ương với lạm phát.
Triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, lạm phát ở nhiều nước tiếp tục duy trì ở mức cao. Ảnh: NC st
Triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, lạm phát ở nhiều nước tiếp tục duy trì ở mức cao. Ảnh: NC st

Lãi suất không ngừng leo dốc

Với việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhất kể từ những năm 1980 cho tới nay, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã “tàn phá” giá trị mọi tài sản, khiến mọi thứ từ bitcoin cho tới trái phiếu giảm giá rất mạnh.

Quý đầu năm 2023 đã đi qua và trận chiến với lạm phát bằng cách nâng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Thậm chí, ngay cả khi cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng diễn ra, cả Fed, BOE và ECB vẫn tiếp tục nâng lãi suất.

Theo đó, tại phiên họp gần nhất vào tháng 3/2023, Fed đã đưa lãi suất lên mức 4,75 - 5%. Chưa hết, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ này đưa ra tín hiệu sẽ còn thêm các đợt nâng lãi suất, ngay cả khi nhận thức rõ lãi suất cao là yếu tố khiến cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng thêm sâu sắc. “Chúng tôi cam kết sẽ ổn định lại giá cả. Áp lực lạm phát đang tiếp tục leo dốc. Giới chức quản lý cần chuẩn bị cho việc lãi suất ở mức cao hơn nữa nếu cần thiết”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết.

ECB cũng tiếp tục nâng lãi suất từ 2,5% lên 3% trong cuộc họp gần nhất, với dự báo lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Tính tới tháng 3/2023, BOE đã nâng lãi suất 11 lần liên tiếp, đưa lãi suất lên mức 4,25%. Thống đốc BOE Andrew Bailey nhấn mạnh, lãi suất phải ở mức cao hơn sau cú sốc lạm phát vào tháng 2/2023, khi giá tiêu dùng tăng 10,4% từ mức 10,1% tháng trước đó.

Tất nhiên, Mỹ và châu Âu không phải khu vực duy nhất chứng kiến lạm phát tăng mạnh. Mới đây nhất, Nam Phi gây bất ngờ với thị trường khi nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất đạt 7,75% vào tháng 3/2023, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 9 kể từ tháng 11/2021.

Tiến thoái lưỡng nan

Theo giới chuyên gia, sau những bất ổn của hệ thống ngân hàng, bắt đầu bằng sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, các ngân hàng trung ương nhận thấy bị mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan: phải tìm cách cân bằng giữa việc đưa lạm phát nằm dưới sự kiểm soát và bảo đảm ổn định thị trường tài chính.

Những động thái mới nhất của các ngân hàng trung ương cho thấy, họ vẫn tập trung vào kiểm soát lạm phát với góc nhìn giá cả gia tăng là mối đe dọa lớn hơn với nền kinh tế, so với bất ổn của hệ thống ngân hàng.

Đầu tháng 4/2023, Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh quyết định giảm sản lượng, làm gia tăng gánh nặng của các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát. Nguyên nhân là việc giảm sản lượng có thể đẩy giá dầu tăng trong thời gian còn lại của năm, kéo theo lạm phát trên thế giới.

Thời điểm hiện tại, những bất ổn của hệ thống ngân hàng Mỹ mới chỉ xuất hiện tại một số nhà băng nhỏ, tập trung tại một thị trường ngách nhất định. Ở châu Âu, việc Credit Suisse buộc phải sáp nhập với UBS là kết quả của nhiều vấn đề đã xuất hiện từ lâu. Nếu như cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2008 xuất phát từ việc tăng trưởng cho vay quá nóng thì tình hình hiện tại có điểm khác biệt, nó xuất phát từ việc rút tiền quá nhanh của người gửi tiền. Đây là “thông điệp” của thị trường cho thấy niềm tin vào sức khoẻ của các nhà băng nói riêng và nền kinh tế nói chung bị lung lay.

Liệu khủng hoảng ngân hàng có tiếp tục diễn ra? Chỉ thời gian mới có thể trả lời. Điều duy nhất chúng ta biết hiện tại là các sự kiện gần nhất sẽ là “viên đá tảng” đè nặng lên hoạt động kinh doanh. Các nhà băng sẽ ngày càng thận trọng với việc cho vay trong ngắn hạn. Đây là sự thật cả tại Mỹ và châu Âu, tiếp theo có thể lan rộng hơn nữa.

Chưa chốt kịch bản trong cuộc chiến với lạm phát

Bước sang quý II/2023, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối diện với hệ quả của việc lãi suất ở mức cao trong thời gian dài và các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Ngay cả khi hệ thống ngân hàng hiện tại có mức độ an toàn, lành mạnh cao hơn so với giai đoạn 2008 - 2009, vẫn luôn có rủi ro khủng hoảng xuất hiện. Trong khi đó, mối lo nền kinh tế suy thoái xuất hiện thường trực.

Đáng chú ý, nhóm các quốc gia đang phát triển sẽ phải trải qua con đường gập ghềnh khi môi trường lãi suất toàn cầu ở mức cao. Kể từ những năm 1970 cho tới nay, đa phần khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng nợ của nhóm các nền kinh tế đang phát triển xuất hiện khi Fed bắt đầu quá trình nâng lãi suất, theo Ngân hàng Thế giới.

Hiện tại, chưa có gì để chắc chắn về khả năng các ngân hàng trung ương lớn sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong bối cảnh tốc độ tăng giá tiêu dùng khó lòng chậm lại, nhất là khi các diễn biến của thị trường dầu mỏ như “thêm dầu vào lửa”.

Cụ thể, đầu tháng 4/2023, Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh quyết định giảm sản lượng, làm gia tăng gánh nặng của các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát. Nguyên nhân là việc giảm sản lượng có thể đẩy giá dầu tăng trong thời gian còn lại của năm, kéo theo lạm phát trên thế giới.

Tính tới thời điểm này, trong số ba ngân hàng trung ương là Fed, ECB và BOE, chỉ có BOE dự báo rằng một cuộc suy thoái là cần thiết để làm chậm đà tăng của lạm phát. Các cơ quan còn lại vẫn kỳ vọng có thể khéo léo điều hành chính sách tiền tệ trong cuộc chiến với lạm phát mà có thể tránh được trường hợp nền kinh tế hạ cánh cứng.

Chuyên đề