Sản lượng điện huy động từ nguồn thủy điện trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên |
Công ty CP Thủy điện Nước Trong vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 với kết quả doanh thu tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 49,34 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 29% lên 19,84 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tích cực của Thủy điện Nước Trong cũng là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp thủy điện khác trong bối cảnh thủy văn thuận lợi, đặc biệt là các nhà máy đặt tại khu vực phía Nam.
Đơn cử như Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, tính riêng trong quý II/2021, Công ty ghi nhận 553 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái và 323,6 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 70%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Công ty đạt 1.198 tỷ đồng, tăng 68,4%; lợi nhuận sau thuế đạt 667 tỷ đồng, tăng 143% so với cùng kỳ năm 2020.
Công ty CP Thủy điện A Vương công bố doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II/2021 lần lượt đạt 125,4 tỷ đồng và 51,1 tỷ đồng, tăng lần lượt 48,5% và 267% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau 6 tháng, Thủy điện A Vương lãi ròng tới 139,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 17,3 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp thủy điện khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm như Công ty CP Thủy điện Miền Nam với lãi ròng đạt 36,7 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái; Công ty CP Thủy điện Hủa Na lãi ròng 41,5 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm 2020 lỗ 99,5 tỷ đồng; Công ty CP Sông Ba lãi ròng 38,2 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ năm 2020…
Ngoài việc thủy văn thuận lợi giúp sản lượng điện sản xuất tăng, giá mua điện từ nguồn thủy điện cũng rẻ nhất trong cơ cấu giá điện nên được ưu tiên huy động.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 6 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 128,51 tỷ kWh. Trong đó, ưu tiên huy động nhiều nguồn thủy điện và sử dụng một phần sản lượng phát điện từ năng lượng tái tạo. Sản lượng từ nguồn thủy điện tăng 41% lên 30,46 tỷ kWh; năng lượng tái tạo ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất (172%), đạt 14,69 tỷ kWh.
Trong khi đó, sản lượng huy động từ nhiệt điện dù chiếm 52% tổng huy động (tương đương 66,7 tỷ kWh) nhưng giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả, nhiều doanh nghiệp nhiệt điện ghi nhận kết quả kinh doanh quý II/2021 giảm sút so với cùng kỳ năm trước như: Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa, Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình hay Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2.
Nhóm nhiệt điện có đặc điểm chung là chi phí nhiên liệu từ than, khí và dầu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất điện. Từ đầu năm 2021, giá than thế giới liên tục tăng và đến giữa tháng 6/2021 đã vượt mức 120 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 10/2011 do hạn chế về nguồn cung và nhu cầu tăng mạnh. Còn đối với giá khí đầu vào cho nhà máy điện khí, theo báo cáo từ Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, mức giá bình quân 6 tháng đầu năm 2021 khoảng 7,271 USD/triệu BTU, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cũng là lý do khiến các công ty nhiệt điện trở nên kém cạnh tranh hơn so với thủy điện.