Tại đường Bạch Đằng quận Tân Bình, gần 3 năm nay, người dân đã chịu cảnh sống chung với bụi bẩn, nước bẩn. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là một động thái mạnh tay của Thành phố nhằm đem đến cho người dân những ngày Tết không bị bao vây bởi lô cốt, bụi mù vì những công trình đào đường được giao cho nhiều nhà thầu thi công bê bối.
Lập danh sách đen nhà thầu thi công bầy hầy
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, kinh doanh và vui chơi, giải trí của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 sắp tới, Sở GTVT TP.HCM sẽ tạm ngừng thi công tất cả các công tác đào đường để lắp đặt công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Thành phố trong thời gian kể từ ngày 27/1/2016 (18 tháng Chạp) đến hết ngày 15/2/2016 (mùng 8 Tết). Ngành giao thông TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư tất cả các công trình hạ tầng kỹ thuật có trách nhiệm đôn đốc đơn vị thi công khẩn trương, dọn dẹp vệ sinh khu vực công trường, tái lập lại toàn bộ các đoạn đường đang thi công và trả lại nguyên trạng mặt đường kể từ ngày 27/1/2016 đến trước ngày 1/2/2016 (23 tháng Chạp). Riêng đối với các công trình trọng điểm có kế hoạch tổ chức thi công, tồn tại rào chắn trong dịp Tết Nguyên đán, các chủ đầu tư báo cáo cụ thể, gửi về Sở GTVT trước ngày 15/1/2016 để xem xét, giải quyết.
Theo tổng hợp của Sở GTVT TP.HCM, qua đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu xây lắp tham gia các dự án do các đơn vị thuộc Sở làm chủ đầu tư trên địa bàn Thành phố, hàng loạt lỗi vi phạm của các nhà thầu đều thể hiện ở việc thi công bê bối, cẩu thả, gây ô nhiễm môi trường, dẫn tới mất an toàn cho các phương tiện giao thông. “Hàng năm, Thanh tra Sở GTVT đều phải lập Danh sách đen những nhà thầu thi công bầy hầy, gây ô nhiễm vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Nhiều nhà thầu bị lập biên bản xử phạt hành chính với mức xử rất nặng”, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết.
Theo thống kê, trong năm 2015, toàn Thành phố hiện có hơn 60 công trình đào đường để lắp đặt hệ thống cống thoát nước, ngầm hóa mạng lưới điện, viễn thông. Quận 2, quận 9 và quận Tân Bình đang là “những điểm nóng” vì tập trung nhiều công trình, lô cốt nhất hiện nay. Tại các quận này có hàng chục dự án đào đường đang triển khai ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại, sinh sống và kinh doanh của người dân Thành phố. Điều đáng nói hơn, hàng trăm nhà thầu đang tham gia thi công các gói thầu này thường coi nhẹ những yêu cầu về vệ sinh môi trường, an toàn, tiến độ…, gây bức xúc cho người dân tham gia giao thông.
“Trảm” 26 nhà thầu không tái lập mặt đường
Theo quan sát của phóng viên Báo Đấu thầu, tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường khi thi công xây lắp các dự án hạ tầng giao thông thường do hoạt động tập kết, dự trữ, bảo quản nguyên vật liệu phục vụ công trình, xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, cát, đá,… phát sinh bụi và khí thải. Quá trình thi công có gia nhiệt: cắt, hàn, đốt nóng chảy gây ô nhiễm không khí, nước… diễn ra thường xuyên trên các công trình đào đường tại TP.HCM.
Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết, chỉ riêng trong tháng 11/2015, hàng chục nhà thầu đã bị xử phạt khi triển khai thi công các hạng mục đào đường để lắp đặt các công trình ngầm. Trước đó không lâu, Thanh tra Sở này cũng đã “trảm” 26 nhà thầu không tái lập mặt đường theo đúng yêu cầu. Đến nay, Sở GTVT TP.HCM đang nắm kỷ lục về số nhà thầu và số tiền xử phạt các nhà thầu do thi công bê bối. TP.HCM cũng mạnh dạn “bêu tên” các nhà thầu trong Danh sách đen vì quá trình thi công tắc trách, cẩu thả. Tuy nhiên, xem ra, cho đến nay, những biện pháp này vẫn chưa đủ sức răn đe, làm bài học cho các nhà thầu vẫn đang tiếp tục thi công đào đường tại TP.HCM. Thậm chí có nhà thầu còn cho biết, mức xử phạt như hiện nay chưa đủ sức răn đe các nhà thầu.
Dù Sở GTVT TP.HCM đã rốt ráo đốc thúc các chủ đầu tư dự án, yêu cầu các nhà thầu khắc phục những thiếu sót khi thi công nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, tái lập hoàn chỉnh mặt đường nhưng chưa có sự chuyển biến tích cực nào. Phải chăng, chính sự lơ là trong quản lý, giám sát của chủ đầu tư, lỏng lẻo trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương có dự án đi qua không quyết liệt nên dẫn tới tình trạng nhiều nhà thầu coi nhẹ những trách nhiệm này. Và Sở GTVT TP.HCM có lẽ cũng cần sử dụng đến quyền cao nhất là “cấm” các nhà thầu đã từng vi phạm nhiều lần các lỗi này tham gia đấu thầu trong thời gian tới.