TP.HCM tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp

(BĐT) - TP.HCM phát triển được như ngày hôm nay có công rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Vì vậy, chính quyền TP.HCM xác định sẽ luôn luôn đồng hành và hỗ trợ DN. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đó là thông điệp xuyên suốt của lãnh đạo TP.HCM tại hội nghị gặp gỡ các DN trong nước với chủ đề “Đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp vẫn kêu khó

Tại Hội nghị, đại diện các DN cho biết, việc cải cách thủ tục hành chính của Thành phố tại các sở, ngành liên quan còn rất chậm. Những chương trình và chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, đổi mới công nghệ, thuê đất… cho ngành công nghiệp hỗ trợ chưa đến được với đa phần DN trong lĩnh vực này. Trong đó, vấn đề mặt bằng sản xuất cho DN nhỏ được rất nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến đề xuất, Thành phố nên mở thêm các cụm công nghiệp chuyên ngành nhằm tạo cơ hội cho các DN nhỏ bứt phá và cạnh tranh.

Không chỉ ngành công nghiệp hỗ trợ, mà nhiều ngành và lĩnh vực khác cũng có những khó khăn, bức xúc cần được tháo gỡ kịp thời. Bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Saigon Food cho biết, thời gian qua các hệ thống siêu thị, nhất là siêu thị nước ngoài có sự thay đổi chủ, gây hoang mang và bất lợi cho cả người lao động lẫn các DN trong nước. Theo bà Lâm, đã đến lúc Nhà nước cần tạo điều kiện và hỗ trợ về nhiều mặt để cho các DN nội phát triển.

Bên cạnh những kiến nghị tháo gỡ khó khăn, nhiều ý kiến cũng đã trao đổi một cách thẳng thắn về cách tự nâng cao khả năng cạnh tranh cho mỗi DN mà mình đang chèo lái. Theo ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, các DN trong nước cần chuẩn hóa về sản phẩm, chất lượng sản phẩm; quy trình sản xuất; hệ thống quản trị. Nếu làm tốt ba vấn đề căn cơ này may ra mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng.

Đồng tình với các ý kiến trên, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh cho rằng, việc xây dựng năng lực cạnh tranh của DN trước hết phải do chính DN làm. Nếu không biết bàn mưu tính kế để vượt qua khó khăn mà chỉ trông chờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài thì trước sau gì cũng bị “xóa sổ”. 

Hỗ trợ doanh nghiệp hết mình

Liên quan đến những kiến nghị cũng như hiến kế của các DN, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ ghi nhận và có biện pháp xử lý và tháo gỡ thích hợp. Đơn cử, đối với việc phát triển cụm công nghiệp, thời gian qua UBND TP.HCM đã có đề án thông qua. Thành phố cũng đang rà soát lại quy hoạch khu công nghiệp và khu chế xuất cho phù hợp, trong đó có một phần dành riêng cho công nghiệp hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM hy vọng, với những gì đã và đang có, tới đây Thành phố sẽ tạo ra được những dư địa mới cho sự phát triển. Năm 2016 có nhiều thách thức nhưng vẫn giữ được quy mô và mức độ tăng trưởng theo hướng cao dần. Đó là một tín hiệu hết sức tích cực. Trong đó, công sức đóng góp của các DN rất lớn và đáng trân trọng. Vẫn theo ông Phong, trong chặng đường sắp tới, Thành phố sẽ tập trung phát triển kinh tế ở trình độ cao hơn, dựa trên đổi mới sáng tạo và hàm lượng tri thức cao, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, Thành phố luôn chào đón các ý kiến, hiến kế của doanh nhân. Mong cộng đồng DN tiếp tục dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận đổi mới, dám chấp nhận rủi ro. Riêng phía Thành phố, ông Thăng cho rằng, nếu cứ túc tắc phát triển thì không đuổi kịp nên phải tăng tốc thông qua việc đổi mới sáng tạo và tận dụng thời cơ bứt phá. “Các sở ban ngành phải tận tụy, tận tâm hơn với người dân và DN, không đùn đẩy chỗ nọ ra chỗ kia. Đồng hành thì không thể cản trở và gây khó khăn cho nhau được. Việc đưa TP.HCM trở lại vị trí số 1, đây không phải là khát vọng viển vông, mà là chính đáng và hoàn toàn có cơ sở”, ông Thăng nhấn mạnh.                

Chuyên đề

Kết nối đầu tư