TP.HCM đang kêu gọi đầu tư 6 dự án trong lĩnh vực y tế theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: Quang Tuấn |
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, hiện nhiều bệnh viện chuyên khoa của Thành phố đã khai thác hết công suất, dẫn tới tình trạng quá tải nghiêm trọng. Có thể kể đến Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Truyền máu và Huyết học, Bệnh viện Ung Bướu… Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất của ngành y tế TP.HCM là năng lực, chất lượng, hạ tầng, trang thiết bị y tế chưa tương xứng với quy mô, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. “TP.HCM mong muốn khối tư nhân tích cực tham gia sâu vào lĩnh vực y tế, từ nghiên cứu, đầu tư dự án, trang thiết bị, liên kết đào tạo, giảng dạy… để ngành y tế Thành phố thực sự phát huy hết tiềm lực của mình”, ông Nam nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Nam cho biết, Thành phố sẵn sàng đón chào nhà đầu tư nước ngoài tham gia thành lập các bệnh viện có thương hiệu lớn trên thế giới. Thành phố cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng lò cyclotron sản xuất nguồn đồng vị phóng xạ để giúp TP.HCM chủ động cung ứng cho các thiết bị trong điều trị ung thư.
Theo đại diện Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Y tế TP.HCM), có 6 dự án đang được TP.HCM kêu gọi đầu tư theo Nghị quyết số 181/NQ-HĐND, gồm: Khu khám điều trị dịch vụ tại Khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (3.500 tỷ đồng), Khoa khám và điều trị cho người nước ngoài tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP. Thủ Đức (600 tỷ đồng), Bệnh viện Đột quỵ TP.HCM tại TP. Thủ Đức (1.500 tỷ đồng), 2 trung tâm tầm soát và chẩn đoán bằng công nghệ cao tại TP. Thủ Đức (1.200 tỷ đồng) và huyện Bình Chánh (1.200 tỷ đồng), Dự án Bệnh viện Thực hành của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (2.500 tỷ đồng). Các dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 10.500 tỷ đồng nêu trên được kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đang được các bệnh viện, địa phương chuẩn bị các bước triển khai.
Đối với Dự án Khu khám điều trị dịch vụ tại Khu 2 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Võ Đức Chiến cho biết, quy mô dự kiến 300 giường bệnh gồm 4 tầng hầm và 15 tầng cao. Diện tích khu đất thực hiện Dự án là 7.367,2 m2; diện tích xây dựng 2.325 m2; diện tích sàn xây dựng 46.223 m2. Vốn tự có dự kiến của Bệnh viện là 30% tổng mức đầu tư, vốn vay dự kiến 70% tổng mức đầu tư. Hiện Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (HFIC) đang cùng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tìm kiếm các đối tác tiềm năng, chú trọng các tổ chức Nhật Bản thuộc lĩnh vực y tế, tài chính có uy tín để thành lập liên danh chuẩn bị đầu tư Dự án. Theo đánh giá của Bệnh viện, Dự án khả thi do thương hiệu của Bệnh viện về y tế chuyên sâu, có lượng bệnh nhân tín nhiệm cao, vị trí trung tâm Thành phố.
Theo đánh giá của TP. Thủ Đức, trong giai đoạn tới, TP. Thủ Đức sẽ là trung tâm tìm kiếm của nhiều nhà đầu tư lĩnh vực y tế. Có tới 3 trong 6 dự án PPP lĩnh vực y tế sẽ triển khai trên địa bàn TP. Thủ Đức. Đặc biệt, TP. Thủ Đức cam kết đã có mặt bằng sạch, quy hoạch đồng bộ để chào đón nhà đầu tư 3 dự án này.
Từ phía đơn vị cấp vốn cho các dự án, theo HFIC, ưu đãi đặc biệt đối với nhà đầu tư lĩnh vực y tế được TP.HCM tập trung vào mặt bằng sạch, thủ tục nhanh gọn, hồ sơ vay ưu đãi được thẩm định phê duyệt 1 quy trình, nhà đầu tư trực tiếp đàm phán với các bệnh viện và HFIC để đưa ra phương án tối ưu.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM Đào Minh Chánh chia sẻ, Thành phố hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN với nhiều đề án lớn. Trong đó, Thành phố hình thành 6 cụm y tế lớn, gồm cụm trung tâm và các cụm ở các cửa ngõ tại TP. Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, cụm khu vực Tây Nam. Trong giai đoạn 2021 - 2025, trong lĩnh vực y tế, TP.HCM triển khai 116 dự án với quy mô vốn 23.906,736 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, Thành phố dự kiến triển khai 150 dự án với quy mô 52.000 tỷ đồng. Đây là vốn “mồi” từ ngân sách của Thành phố để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân. Mục tiêu là hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, phát triển kết cấu hạ tầng và các kỹ thuật chuyên sâu, đẩy mạnh du lịch y tế kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền... Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải huy động nguồn lực lớn. Do đó, TP.HCM đã chấp thuận lập Đề án huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển lĩnh vực y tế, tạo cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để kêu gọi nhà đầu tư góp sức thực hiện các dự án, mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân.