TP.HCM: Mời gọi nhiều dự án đầu tư chống ngập

(BĐT) - Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm Chống ngập), trong giai đoạn 2019 - 2022, trong lĩnh vực chống ngập, TP.HCM sẽ ưu tiên các dự án đầu tư theo hình thức PPP, đặc biệt là các dạng hợp đồng BTL, BLT và BT.
Trong lĩnh vực chống ngập, TP.HCM sẽ ưu tiên các dự án PPP, đặc biệt là các dạng hợp đồng BTL, BLT và BT. Ảnh: Lê Tiên
Trong lĩnh vực chống ngập, TP.HCM sẽ ưu tiên các dự án PPP, đặc biệt là các dạng hợp đồng BTL, BLT và BT. Ảnh: Lê Tiên

Đại diện Trung tâm Chống ngập cho biết, BTL, BLT là các loại hợp đồng thực hiện có kết hợp quá trình xây lắp, vận hành (thuê dịch vụ), chuyển giao trong đó chi phí đầu tư và vận hành (thuê dịch vụ) sẽ được chi trả bằng nguồn thu từ giá dịch vụ. Các dự án thích hợp đầu tư theo hình thức hợp đồng này là 7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải và Dự án Ứng dụng công nghệ xử lý nước thải mới tại Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng.

Đối với hợp đồng BT, Trung tâm Chống ngập cho biết, sẽ tận dụng quỹ đất sẵn có của Thành phố, khai thác quỹ đất tại chỗ của dự án... để thực hiện các dự án. Các dự án thích hợp đầu tư theo hình thức hợp đồng này là 6 dự án cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch và 3 dự án kiểm soát triều vòng ngoài của Thành phố.

Việc đầu tư hướng tới mục tiêu phù hợp tình hình thực tiễn, không bị lỗi thời trong tương lai, đồng thời thỏa mãn điều kiện về khả năng chi trả của Thành phố, hài hòa với lợi ích của người dân, của nhà đầu tư.

Kế hoạch triển khai được phân thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn năm 2019 - 2020, sẽ thực hiện một loạt dự án lớn như đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải. Các dự án này phải đảm bảo yêu cầu về mặt công nghệ, trong đó ưu tiên công nghệ mới, hiện đại, tiết kiệm diện tích xây dựng cũng như đảm bảo nhu cầu mở rộng trong tương lai. Các dự án sẽ được triển khai tại lưu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân và Tân Hóa Lò Gốm với tổng công suất 630,000 m3/ngày; lưu vực Bắc Sài Gòn 1 với công suất 170.000 m3/ngày; lưu vực Bắc Sài Gòn 2 với công suất 130.000 m³/ngày; lưu vực Rạch Cầu Dừa với công suất 100.000 m³/ngày.

Về đầu tư cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch, phải đảm bảo yêu cầu về sự phù hợp với quy hoạch thoát nước trong tương lai, đồng bộ giải quyết đối với các kênh chính, nhất là trong khu vực trung tâm Thành phố. Các dự án bao gồm: Xây dựng kè bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật hai bên kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; Xây dựng hệ thống thoát nước mưa và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm. Hai dự án này đồng bộ với Dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (sử dụng nguồn vốn vay ADB), là 1 trong 4 trục thoát nước chính của Thành phố. 3 trong số 4 trục thoát nước này đã được Thành phố đầu tư cải tạo, chỉnh trang trong thời gian qua (tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, tuyến Tân Hóa - Lò Gốm).

Giai đoạn 2021 - 2022, tiếp tục đầu tư các dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải; cải tạo, nạo vét các tuyến kênh rạch thoát nước, đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của Thành phố thuộc các quận, huyện: Quận 8, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.

Chuyên đề