TP Thủ Đức tương lai sẽ có 8 trung tâm là nguồn lực sức mạnh, trong đó nổi bật là Khu Công nghệ cao (Quận 9), Trung tâm tài chính Thủ Thiêm và Khu công nghệ giáo dục Đại học Quốc gia TPHCM |
Để bảo đảm công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng quy định, UBND TPHCM đề nghị các cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án, phương án, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, đúng tiến độ.
Theo đó, UBND các phường nơi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính tổ chức niêm yết danh sách cử tri theo từng khu phố. Phát phiếu lấy ý kiến theo từng hộ gia đình - theo hướng dẫn tại Nghị định 54/2018 và Nghị quyết 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thời gian tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các phường liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là từ 7h-19h ngày 3/10.
Nếu có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành, HĐND các cấp liên quan thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó HĐND TP sẽ họp cho ý kiến ngày 12/10. Sau đó, Sở Nội vụ tham mưu UBND TP hồ sơ đề án trình Bộ Nội vụ trước ngày 25/10.
Liên quan đến đề án trên, tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Nội vụ ngày 19/9, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM thành lập đơn vị hành chính mới là thành phố Thủ Đức được hình thành trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức.
Đây là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ. Dự kiến, sau khi thành lập, Thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TPHCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân, khi gộp nguyên trạng 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) để thành lập TP Thủ Đức thì diện tích (hơn 211km2), dân số (hơn 1 triệu) đều vượt chuẩn quy định và cơ sở hạ tầng cũng đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại 1.
Nếu TP Thủ Đức được thành lập thì TPHCM còn 16 quận (với 249 phường sau sắp xếp giảm 10 phường). TPHCM sẽ thành lập các tổ chức Đảng, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, xã hội ở đơn vị hành chính mới theo quy định hiện hành. Thực hiện chính sách giải quyết dôi dư theo các quy định về chính sách tinh giản biên chế.