TP.HCM hút vốn chỉnh trang đô thị

(BĐT) - Trong khi ngân sách dành cho chương trình chỉnh trang đô thị còn hạn hẹp thì nhu cầu cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh rạch tại TP.HCM dự kiến tiêu tốn đến hơn 25 ngàn tỷ đồng. TP.HCM đã xác định, tăng cường thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Ngân sách TP.HCM chỉ cân đối được 7% trong tổng nhu cầu 25.748 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị. Ảnh: Quang Tuấn
Ngân sách TP.HCM chỉ cân đối được 7% trong tổng nhu cầu 25.748 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị. Ảnh: Quang Tuấn

Đó là thông điệp của TP.HCM tại hội nghị mời gọi đầu tư thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị diễn ra ngày 1/2/2018. 

Ngân sách chỉ đáp ứng 7% kinh phí

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thực trạng nhà ở trên và ven kênh rạch, tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập nước vẫn còn, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống nhân dân, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống đô thị, chưa tương xứng với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt như TP.HCM. Qua khảo sát, trên địa bàn Thành phố hiện nay còn khoảng hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch cần phải tiếp tục được di dời trong thời gian tới, tập trung chủ yếu tại địa bàn các quận gồm: Quận 8 (9.806 căn); quận Bình Thạnh (1.830 căn); Quận 7 (1.730 căn)…

Trong khi đó, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện nay, Thành phố chỉ mới triển khai di dời được 502 trên tổng số khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch; đã và đang triển khai cải tạo, xây mới 12 trên tổng số 4.747 chung cư theo kế hoạch thay thế chung cư hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn Thành phố. Với kết quả và tiến độ thực hiện như trên, dự báo kết quả hoàn thành các chỉ tiêu chỉnh trang đô thị trong 03 năm còn lại của kế hoạch 2016 - 2020 sẽ không được như mong đợi và mức độ hoàn thành sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc vận dụng sáng tạo và đột phá các cơ chế chính sách huy động nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước, mang tính khả thi và hiệu quả. Đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM cũng khẳng định, nhu cầu đầu tư cho các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị cần đến 25.748 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách Thành phố chỉ đảm bảo cân đối khoảng 2.508 tỷ đồng, chiếm 7%. 

Tăng cường hợp tác công tư

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, để có cơ sở định hướng, vừa cân đối nguồn vốn ngân sách, vừa huy động nguồn lực xã hội đầu tư, tiến hành tổ chức thực hiện, triển khai công việc phù hợp đảm bảo đồng bộ và hoàn thành chỉ tiêu của Chương trình hành động của Thành ủy, các dự án chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh rạch trên địa bàn Thành phố được phân loại và xác định gồm 03 nhóm.

Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Sử Ngọc Anh khẳng định, việc áp dụng các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất và đầu tư theo hình thức PPP kết hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, đối với Nhóm 1 - Dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước: Nhà nước trực tiếp thực hiện chỉnh trang đô thị (di dời, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật) các tuyến rạch nhánh, rạch nhỏ, không thể thực hiện mở biên chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhóm này gồm 52 dự án, quy mô di dời 14.403 căn; dự kiến kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 22.381,7 tỷ đồng.

Nhóm 2 - Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị: Gồm 03 tuyến kênh rạch, quy mô di dời 1.801 căn, dự kiến tổng kinh phí bồi thường khoảng 2.702 tỷ đồng. Việc di dời và tái định cư nhà trên và ven các tuyến kênh rạch được thực hiện bằng nguồn vốn doanh nghiệp.

Nhóm 3 - Dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư (PPP): Gồm 06 dự án, quy mô di dời 6.223 căn; dự kiến tổng kinh phí bồi thường khoảng 19.023,7 tỷ đồng.

Phương thức chủ yếu là mở rộng biên chỉnh trang, mở rộng phạm vi thu hồi đất trong vùng phụ cận để tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). “Thành phố tổ chức công bố dự án, mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện chỉnh trang đô thị. Nhà đầu tư được khai thác quỹ đất dọc tuyến kênh rạch (hoặc dự án khác) để kinh doanh thu hồi vốn theo hợp đồng BT”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Sử Ngọc Anh khẳng định, việc áp dụng các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất và đầu tư theo hình thức PPP kết hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện. Qua đó, Thành phố đảm bảo tăng giá trị thu ngân sách (trường hợp thực hiện phương án đấu giá quyền sử dụng đất); lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được duyệt (trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất) và tận dụng được năng lực của nhà đầu tư trong việc quản lý, khai thác công trình, dịch vụ công cộng (trường hợp thực hiện theo hình thức PPP). Lợi ích này xuất phát từ sự phân bổ rủi ro giữa khu vực công và khu vực tư theo cách thức mà bên nào có khả năng quản lý rủi ro tốt hơn thì sẽ được giao quản lý rủi ro đó.

Chuyên đề