TP.HCM dồn lực gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo kế hoạch triển khai các dự án trọng điểm, quy mô lớn trong năm 2025 của TP.HCM, tổng kế hoạch vốn đầu tư công bố trí cho ngành giao thông khoảng 36.433 tỷ đồng, chiếm 43% tổng vốn đầu tư công của Thành phố (tăng 15% so với kế hoạch năm 2024). Theo đó, năm 2025, TP.HCM sẽ hoàn thành cũng như khởi công nhiều dự án nhằm tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông, khơi thông nguồn lực để phát triển.
TP.HCM đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường bộ hiện đại, kết hợp với mạng lưới metro nhằm tạo nên bộ mặt mới cho Thành phố. Ảnh: Tiên Giang
TP.HCM đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường bộ hiện đại, kết hợp với mạng lưới metro nhằm tạo nên bộ mặt mới cho Thành phố. Ảnh: Tiên Giang

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông công chánh (GTCC) TP.HCM cho biết, trong năm 2025, Thành phố tập trung triển khai thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng 16 dự án/gói thầu.

Theo Sở GTCC, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được đưa vào vận hành thương mại vào ngày 22/12/2024, dự kiến ngày 9/3/2025 tổ chức lễ khánh thành. Tại Dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM, 10 gói thầu xây lắp chính có sản lượng thực hiện khoảng 4.942 tỷ đồng (tương đương 30% giá trị hợp đồng), đạt 75% kế hoạch. 4 gói thầu phục vụ vận hành, khai thác đang triển khai theo tiến độ thực hiện gói thầu xây lắp chính.

Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đang triển khai thi công đồng bộ 7 gói thầu xây lắp, hiện đạt khoảng 96% khối lượng; dự kiến thông xe toàn tuyến trước ngày 30/4/2025. Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú đang triển khai thi công đồng bộ 13 gói thầu xây lắp, đến nay toàn bộ công trình đạt tiến độ thi công khoảng 53%; dự kiến thông xe Hầm HC-01 trong tháng 4/2025 và hoàn thành vào tháng 12/2025. Dự án Mở rộng nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa) dự kiến thông xe toàn tuyến trước ngày 30/4/2025. Dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh đang được các nhà thầu triển khai thi công đồng bộ 9 gói thầu xây lắp, tiến độ đạt khoảng 65%; dự kiến thông xe toàn tuyến trong tháng 12/2025. Dự án Xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy có khối lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 30%; dự kiến hoàn thành trong năm 2026.

Cũng theo Sở GTCC, ngay trong năm 2025, Thành phố sẽ khởi công 15 công trình/gói thầu để chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gồm: cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (giai đoạn 1); cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (kết nối Công viên Bến Bạch Đằng (Quận 1) với Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức); Dự án Vành đai 2 đoạn 1 và đoạn 2; xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái, Quận 4 và Quận 7; dự án thành phần 2 và 3 thuộc Dự án Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp; nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn Quận 8; mở rộng đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; nâng cấp đường trục Bắc - Nam (dự kiến khởi công xây dựng Dự án thành phần Nút giao kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành trong quý IV/2025; xây dựng cầu Rạch Tôm; xây dựng nút giao Ngã Tư Đình (Quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Quá), Quận 12; xây dựng cầu Kênh Ngang số 1, 2, 3 (Quận 8)…

Với nhóm chuẩn bị đầu tư, trong năm 2025, Sở tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với 140 dự án gồm 98 dự án giao thông và 42 dự án hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến trong quý II sẽ trình 22 dự án có quy mô lớn như cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, đường Vành đai 2 (đoạn 4 từ đường Nguyễn Văn Linh - Hồ Học Lãm)…

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, về vốn đầu tư, ông Lâm cho biết, Sở GTCC đã kiến nghị TP.HCM xem xét, chỉ đạo Sở Tài chính sớm tham mưu, trình UBND Thành phố bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và bố trí vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư năm 2025 theo đề xuất.

Tại cuộc làm việc với Sở GTCC mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, 5 - 10 năm tới TP.HCM sẽ có hệ thống đường bộ hiện đại, kết hợp mạng lưới metro tạo nên bộ mặt mới cho Thành phố, ngoài giảm ùn tắc sẽ phát triển kinh tế, đô thị, cải thiện đời sống người dân. Ông Được cho biết, TP.HCM sẽ dồn lực để đưa loạt công trình trọng điểm vào sử dụng. Đặc biệt là giải quyết các dự án tồn đọng nhằm chống lãng phí, thất thoát. Về thủ tục, Thành phố sẽ đẩy nhanh các khâu lập, trình và thẩm định, phê duyệt để có thể khởi công nhiều dự án trọng điểm nhằm khơi thông điểm nghẽn hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư cho TP.HCM.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư