TP.HCM đề xuất nâng cao hiệu quả của mua sắm tập trung

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đánh giá về hoạt động đấu thầu thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho rằng, mua sắm tập trung triển khai trên địa bàn đã đi theo hướng chuyên nghiệp, bài bản. Tuy nhiên, cần có những điều chỉnh kịp thời để hình thức đấu thầu này thực sự đem lại hiệu quả cao hơn, phát huy giá trị đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục, thời điểm bắt đầu năm học không trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính nên việc mua sắm tập trung có bất cập. Ảnh: Lê Tiên
Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục, thời điểm bắt đầu năm học không trùng với thời điểm bắt đầu năm tài chính nên việc mua sắm tập trung có bất cập. Ảnh: Lê Tiên

Mới đáp ứng thông số cơ bản

Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, về mua sắm tài sản tập trung, các thiết bị được mua sắm tập trung trong thời gian qua chỉ đáp ứng các tiêu chí thông số cơ bản theo yêu cầu của gói thầu mà chưa đáp ứng tính thông dụng của thiết bị trên thị trường dẫn đến việc sửa chữa, thay thế linh kiện hư hỏng, nâng cấp thiết bị gặp nhiều khó khăn.

Các gói thầu mua sắm tập trung trong thời gian qua có rất ít lựa chọn cho các đơn vị thụ hưởng (đặc biệt là máy vi tính) do đó về mặt khách quan việc mua sắm tập trung trong thời gian qua chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu chuyên môn của các đơn vị thụ hưởng cũng như chưa đạt hiệu quả tiết kiệm như kỳ vọng.

Đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, thời điểm bắt đầu năm học không trùng với thời điểm bắt đầu của năm tài chính nên việc mua sắm tập trung từ nguồn ngân sách nhà nước được phân khai ở đầu năm rất bất cập, dẫn đến tình trạng thiết bị được cung cấp vào thời điểm đã qua học kỳ I của năm học.

Dữ liệu Báo Đấu thầu cho thấy, từ thời điểm năm 2017 đến nay, TP.HCM triển khai hơn 20 gói thầu mua sắm tài sản tập trung. Trong đó, tài sản được mua sắm nhiều nhất chính là máy vi tính, máy photocopy và máy lạnh, sữa học đường.

Sở KH&ĐT TP.HCM khẳng định, những ưu điểm không thể phủ nhận của mua sắm tập trung là thu hút được nhiều nhà thầu tiềm năng; tạo sự đồng bộ trong việc phát triển hạ tầng của các cơ quan, đơn vị trên cùng một địa bàn; ưu đãi về giá từ việc mua hàng số lượng lớn... Tuy nhiên, do hàng hóa, dịch vụ bị quy về một chuẩn chung để hình thành gói thầu nên đôi khi hàng hóa, dịch vụ của bên trúng thầu lại không đáp ứng được các nhu cầu đặc thù tại từng cơ quan, đơn vị thụ hưởng.

Thực tế, Báo Đấu thầu đã có một số bài viết phản ánh về những rào cản vô hình đối với hình thức mua sắm tài sản tập trung. Những rào cản này xuất phát chủ yếu từ các đơn vị thụ hưởng chưa có sự phối hợp kịp thời trong nhiều khâu như: tổng hợp nhu cầu mua sắm, xây dựng cấu hình, ký hợp đồng, tiếp nhận tài sản, ký biên bản với nhà thầu khi giao nhận tài sản. Thậm chí có đơn vị từ chối mua tài sản, một số lại yêu cầu điều chỉnh giảm số lượng tài sản với nhiều lý do khác nhau như kinh phí không còn, không còn nhu cầu… hay đề nghị thay đổi cấu hình so với cấu hình đã đăng ký trước đó với bên mời thầu.

Nhiều đề xuất để mua sắm tập trung hiệu quả

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh nhận xét: “Sử dụng tài sản từ hình thức mua sắm tập trung phát sinh một số bất cập. Do phải tổng hợp nhu cầu mua sắm từ nhiều đơn vị trên phạm vi cả nước nên từ khi gửi nhu cầu mua sắm tài sản đến khi tiếp nhận là rất lâu. Thứ hai, trong quá trình sử dụng, nếu có sự cố cần sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, chủ tài sản thường xuyên rơi vào thế bị động”.

Nhận thấy những bất cập này, Sở KH&ĐT TP.HCM đã đề xuất cần bổ sung nội dung về bảo hành, bảo trì tài sản mua sắm theo phương thức tập trung sau khi bàn giao tài sản cho đơn vị sử dụng để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.

Đồng thời, TP.HCM đề xuất cho phép mua sắm riêng lẻ với số lượng ít (quy định số lượng tối đa được phép mua sắm riêng lẻ tùy theo loại hình cơ quan, đơn vị) để phục vụ nhu cầu chuyên môn đặc thù cũng như nhu cầu thay thế thiết bị do hư hỏng đột xuất.

Bên cạnh đó, TP.HCM đề xuất bổ sung quy định về mua sắm tập trung riêng cho ngành giáo dục để phù hợp với đặc thù riêng của ngành.

Hình thức mua sắm tập trung hiện nay được triển khai đối với một số hàng hóa và dịch vụ cụ thể, qua đó tập hợp các nhu cầu tương đồng nhau của nhiều cơ quan, đơn vị thành một gói thầu mua sắm lớn. “Đề xuất Luật Đấu thầu trong tương lai cần chú trọng thêm các vấn đề về công nghệ, thương hiệu hàng hóa cũng như uy tín của nhà thầu vì các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, cần quy định về cơ chế linh động để đáp ứng được các nhu cầu đặc thù”, Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết.

Chuyên đề