TP.HCM: Cạnh tranh cung cấp dịch vụ công ích sẽ gia tăng

(BĐT) - Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có báo cáo UBND Thành phố về quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thuộc lĩnh vực GTVT. 
Nếu các doanh nghiệp công ích nhà nước không có sự chuyển đổi tích cực, thì tất yếu sẽ bị các nhà thầu tư nhân chiếm lĩnh thị trường. Ảnh: Nhã Chi
Nếu các doanh nghiệp công ích nhà nước không có sự chuyển đổi tích cực, thì tất yếu sẽ bị các nhà thầu tư nhân chiếm lĩnh thị trường. Ảnh: Nhã Chi

Đây được xem là tín hiệu mừng và thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà thầu vì Sở GTVT là đầu mối tổ chức triển khai nhiều gói thầu dịch vụ công ích nhất trên địa bàn TP.HCM.

Con số tiết kiệm ấn tượng

Gần như cùng thời điểm, một trong những gói thầu lớn thuộc lĩnh vực quản lý của Sở GTVT TP.HCM vừa được công bố kết quả đã cho thấy sự kỳ vọng của nhà thầu vào những đột phá trong chính sách đấu thầu dịch vụ công ích tại TP.HCM. Cụ thể, trước đó, theo đề xuất của Sở GTVT, UBND Thành phố đã yêu cầu Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích đối với lĩnh vực thoát nước trên địa bàn Thành phố, đảm bảo công tác quản lý vận hành được liên tục (không gián đoạn); đồng thời hoàn tất các thủ tục để tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện công tác quản lý vận hành bảo trì, bảo dưỡng và chăm sóc cảnh quan Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng.

Đến tháng 12/2016, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập Thành phố đã tổ chức mời thầu Gói thầu Quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, chăm sóc cảnh quan Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng và Trạm bơm Đồng Diều, huyện Bình Chánh, Quận 8 (TP.HCM) tại dự án cùng tên. Gói thầu này được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước. Đến ngày 4/5/2017 vừa qua, Trung tâm đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu. Theo thông tin từ Bên mời thầu, giá gói thầu này là 303.570.051.320 đồng. Nhà thầu là Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền đã trúng thầu với giá 168.017.671.716 đồng. Với kết quả mà Phú Điền đã trúng thầu, tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách hơn 45% so với giá gói thầu được phê duyệt. Đây là một con số tiết kiệm ấn tượng đối với một gói thầu có quy mô lớn trong lĩnh vực thoát nước. Cũng cần phải thông tin thêm, Gói thầu Quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, chăm sóc cảnh quan Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng và Trạm bơm Đồng Diều là cuộc thầu mà có sự cạnh tranh của một bên là công ty dịch vụ công ích nhà nước của TP.HCM (Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị) và một bên là các doanh nghiệp tư nhân. Với chiến thắng cùng giá trúng thầu thực sự cạnh tranh của Phú Điền đã cho thấy, cánh cửa cung cấp dịch vụ công ích gần như đã được TP.HCM mở cho mọi thành phần kinh tế tham gia. 

Mở rộng cửa cho cạnh tranh cung ứng dịch vụ công ích

Theo UBND TP.HCM, Sở GTVT là đơn vị được giao tổ chức, quản lý nhiều nhất các gói thầu dịch vụ công ích hiện nay. Theo Danh mục A được UBND TP.HCM công bố, Sở GTVT sẽ xây dựng quy chế đặt hàng và quy chế giao kế hoạch cho các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Còn tại Danh mục B, Sở GTVT được giao xây dựng quy chế đấu thầu, quy chế đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích: Dịch vụ vận tải công cộng; Dịch vụ chăm sóc, bảo quản, duy tu hệ thống công viên cây xanh, mảng xanh đô thị; Quản lý, duy tu hệ thống thoát nước đô thị; Quản lý, duy tu hệ thống chiếu sáng công cộng; Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Quản lý, bảo trì đường thủy nội địa...

So với các Sở, ngành khác trong Thành phố thì các gói thầu dịch vụ công ích thuộc lĩnh vực GTVT là lớn hơn rất nhiều. Theo chuyên gia giao thông đô thị Phạm Sanh, với danh mục như vậy, khi Sở GTVT TP.HCM hoàn thiện và công bố quy chế đấu thầu dịch vụ công ích gần như đã mở ra cánh cửa rộng cho đông đảo nhà thầu cùng tham gia cạnh tranh. “Điều này cực kỳ hiệu quả và tích cực so với trước đây Thành phố cơ bản chỉ giao kế hoạch và đặt hàng cho các công ty nhà nước. Sự cạnh tranh và minh bạch trong hoạt động đấu thầu dịch vụ công ích sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Sanh nhận định.

Còn theo chuyên gia Huỳnh Thế Du: “Nếu các doanh nghiệp công ích nhà nước vốn quen với hình thức đặt hàng truyền thống không có sự chuyển đổi, thay đổi tích cực, thì tất yếu sẽ bị chiếm lĩnh thị trường bởi các nhà thầu tư nhân nhiều tiềm lực”.

Chuyên đề