Tổng lực đẩy nhanh giải ngân vốn ODA

(BĐT) - Giải ngân là vấn đề được lãnh đạo Chính phủ xác định cần chú trọng nhất trong sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong các tháng còn lại của năm 2016 và trong giai đoạn tới, khi nguồn vốn ODA giải ngân các tháng đầu năm đạt thấp và vẫn còn hàng chục tỷ USD vốn ODA đã cam kết chờ giải ngân. 
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) vốn vay JICA có mức giải ngân cao so với kế hoạch giao năm 2016. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) vốn vay JICA có mức giải ngân cao so với kế hoạch giao năm 2016. Ảnh: Lê Tiên

Đồng thời, phải sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, gắn chặt với bảo đảm an toàn nợ công. Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh tại Hội nghị Thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi diễn ra chiều ngày 18/10/2016.

Vốn ký kết tăng, vốn giải ngân giảm

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 4,92 tỷ USD, cao gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Lý do tăng đột biến là vì có một số khoản vay ODA của Nhật Bản dự kiến ký kết trong tài khóa năm 2015 của Nhật Bản bị chậm và lùi sang tài khóa năm 2016.

Nhóm 6 ngân hàng phát triển đánh giá, cam kết cho vay của nhóm này duy trì ở mức cao đã khẳng định tình hình chương trình phát triển quốc gia ở mức tốt, cũng như uy tín của chương trình này. Kết quả đánh giá tích cực đối với phần lớn các dự án đã kết thúc cũng là một thành tích ấn tượng của Việt Nam.

Tuy nhiên, về tiến độ giải ngân, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 9 tháng đầu năm nay ước đạt 2,685 tỷ USD, bằng 81,4% mức giải ngân của cùng kỳ năm trước và mới đạt chưa đến 53% kế hoạch năm.

Nhiều dự án đầu tư quy mô lớn có mức giải ngân cao so với kế hoạch giao năm 2016, như Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) vốn vay JICA, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội vốn vay ADB, Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long vốn vay WB...

Bên cạnh đó, cũng có nhiều dự án giải ngân thấp, thậm chí chưa giải ngân kế hoạch giao năm 2016 như Dự án Xây dựng Trường Đại học Việt Đức, Dự án Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ, Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, Dự án Tăng cường hệ thống dự báo thời tiết và cảnh báo sớm…

Bộ KH&ĐT dự kiến, mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2016 sẽ khó đạt mức 4.650 triệu USD của năm 2015. 

Nhiều vướng mắc cản trở giải ngân

Bộ KH&ĐT dự kiến, mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2016 sẽ khó đạt mức 4.650 triệu USD của năm 2015.
Ý kiến từ nhiều bộ, ngành, địa phương cho thấy, chậm giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi do rất nhiều nguyên nhân, trong đó nổi cộm là vướng mắc do thiếu vốn đối ứng; do các quy định mới về thể chế chưa có văn bản hướng dẫn kịp thời; chậm trễ giải phóng mặt bằng; sự khác biệt về quy trình, thủ tục trong quản lý tài chính và đấu thầu giữa Việt Nam và các nhà tài trợ; chất lượng báo cáo nghiên cứu khả thi của một số dự án không đáp ứng yêu cầu…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng kiến nghị, cần có chỉ thị riêng về ODA gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, thúc đẩy đấu thầu qua mạng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông thì cho rằng, các quy định mới trong lĩnh vực đầu tư xây dựng theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân, cần phải sửa đổi.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá, dù có nhiều kết quả tích cực trong vận động, sử dụng nguồn vốn ODA 9 tháng qua, nhưng giải ngân được khoảng 52,6% kế hoạch là còn thấp. Từ nay đến cuối năm, phải thực hiện đẩy nhanh giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm nay. Về lâu dài, Phó Thủ tướng chỉ rõ, giai đoạn 2017 - 2020 còn 22 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã vận động được cần giải ngân.

Khẳng định Chính phủ luôn chú trọng đến việc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu thực hiện quyết liệt các biện pháp để giải ngân được nguồn vốn này. Trong đó, nhấn mạnh chú trọng rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư công, đơn giản hóa các thủ tục thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng và thủ tục kiểm soát chi, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tiếp tục hài hòa quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng tiếp cận tới các chuẩn mực quốc tế nhằm quản lý đồng bộ và hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; tăng cường cơ chế phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan chủ quản dự án ODA; tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư