Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại Lễ ra quân (Ảnh: Trần Tuyết) |
Phát biểu tại Lễ ra quân, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 được thực hiện trên phạm vi cả nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tỉnh, thành phố), ở tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (huyện), ngoại trừ 4 huyện đảo nhỏ. Điều tra được thực hiện nhằm thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2026 - 2030; giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; phục vụ cho công tác thống kê về dân số trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Theo đó, đối tượng điều tra bao gồm hộ dân cư (bao gồm cả thông tin về nhà ở của hộ); nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang, người có quốc tịch nước ngoài hiện đang ăn, ở tại hộ), không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an.
Thời gian thu thập thông tin trong điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ từ ngày 1 - 30/4/2024.
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam |
Tại Lễ ra quân, ông Matt Jackson - Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh chóng. Việc thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và các kế hoạch ngành cũng như Kế hoạch hành động Quốc gia về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030 phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống số liệu, thống kê chất lượng và tin cậy nhằm xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá tiến độ đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội và phát triển bền vững.
Chính vì vậy, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới với dân số trên 100 triệu người. Việt Nam đang trải qua những thay đổi đáng kể về nhân khẩu học với tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh chóng. Cuộc điều tra lần này sẽ thu thập những dữ liệu quan trọng chưa có trong cơ sở dữ liệu dân số hiện tại hoặc các nguồn dữ liệu hành chính khác, như lịch sử sinh sản của phụ nữ, tử vong, di cư, mất cân bằng giới tính khi sinh, khuyết tật, hôn nhân/tảo hôn, trình độ học vấn, lực lượng lao động và nhà ở.
Dữ liệu từ cuộc điều tra sẽ được sử dụng để cập nhật các chỉ số phát triển bền vững của quốc gia và để so sánh với kết quả của các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở trước đây, cũng như để xác minh lại một số chỉ số dự báo dân số quốc gia đến năm 2069.