Tổng công ty Sông Hồng lay lắt hoạt động, có dễ thoái vốn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vào ngày 22/12/2023, Bộ Xây dựng sẽ bán đấu giá hơn 13,241 triệu cổ phần Tổng công ty CP Sông Hồng (tương đương 49,04% vốn điều lệ). Với giá khởi điểm 10.500 đồng/cổ phần, nếu đấu giá thành công, Bộ Xây dựng sẽ thu về hơn 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thoái vốn gặp nhiều thách thức do doanh nghiệp nổi tiếng một thời trong lĩnh vực xây lắp này đang chìm trong thua lỗ, nợ nần.
Nguồn: Báo cáo tài chính của Tổng công ty Sông Hồng; Đơn vị tính: tỷ đồng
Nguồn: Báo cáo tài chính của Tổng công ty Sông Hồng; Đơn vị tính: tỷ đồng

Lỗ lũy kế 1.292 tỷ đồng

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của Tổng công ty Sông Hồng cho thấy, doanh thu thuần hợp nhất chỉ đạt 3,859 tỷ đồng, trong đó không ghi nhận nguồn thu từ hoạt động xây lắp vốn làm nên tên tuổi của doanh nghiệp này. Sau khi trừ các khoản chi phí, Sông Hồng tiếp tục lỗ 26,9 tỷ đồng. Cùng với số lỗ 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), lỗ lũy kế của Tổng công ty đến cuối quý II/2023 lên tới 1.292,8 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 986,91 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn 1.723 tỷ đồng, vượt tài sản ngắn hạn 806,6 tỷ đồng.

Với kết quả như vậy, Công ty TNHH Kiểm toán CPA VIETNAM - đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính bán niên 2023 của Tổng công ty Sông Hồng nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này.

Tổng công ty Sông Hồng là một trong những đơn vị thành viên đầu tiên của Bộ Xây dựng, được thành lập vào tháng 8/1958 với tên gọi Công ty Kiến trúc Việt Trì. Tháng 8/2006, doanh nghiệp này được chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - con và lấy tên là Tổng công ty Sông Hồng. Cuối năm 2009, Tổng công ty được cổ phần hóa thành công. Tuy nhiên sau cổ phần hóa, Sông Hồng liên tục thua lỗ. Đặc biệt trong năm 2018, Tổng công ty lỗ kỷ lục 387,5 tỷ đồng.

Khó khăn được Tổng công ty Sông Hồng đưa ra tại đại hội đồng cổ đông thường niên hàng năm là công tác thu hồi vốn tại các công trình thi công, dẫn đến tồn đọng vốn lớn. Việc này ảnh hưởng đến uy tín của Tổng công ty với các tổ chức tín dụng cũng như gây phát sinh chi phí vốn. Tình hình tài chính bết bát, mất cân đối nghiêm trọng còn gây khó khăn cho việc tiếp cận các công trình, công việc mới do Tổng công ty Sông Hồng không có khả năng trúng thầu.

Tù mù số liệu tài chính

Theo báo cáo tài chính bán niên 2023, tại thời điểm cuối quý II/2023, chiếm phần lớn trong 985 tỷ đồng tổng tài sản của Tổng công ty Sông Hồng là các khoản phải thu ngắn hạn (380,7 tỷ đồng) và hàng tồn kho (405 tỷ đồng). Trong khi đó, số dư tiền còn khoảng 4,4 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, tình hình tài chính của Sông Hồng sẽ phần nào được cải thiện nếu có thể thu hồi các khoản phải thu và giải phóng được hàng tồn kho.

Cuối năm 2020, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo tổ chức bán đấu giá toàn bộ số cổ phần Tổng công ty Sông Hồng do Bộ Xây dựng sở hữu với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu SHG thời điểm đó chỉ khoảng 2.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả là thoái vốn không thành công. Hiện cổ phiếu SHG bị hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM và “treo” ở giá 2.200 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, số liệu tài chính của Tổng công ty cũng để lại nhiều vết gợn. Theo ý kiến của Công ty TNHH Kiểm toán CPA VIETNAM, do cách thức quản lý của các công ty con nên kiểm toán viên không thể tham gia chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho ngày 30/6/2023 của các công ty con. Với các thông tin đã được cung cấp và bằng các thủ tục kiểm toán thay thế đã thực hiện, kiểm toán vẫn không thể đánh giá được tính hiện hữu, đầy đủ và giá trị của hàng tồn kho tại ngày 30/6/2023 là 209,7 tỷ đồng. Do đó, kiểm toán không thể đưa ra ý kiến về tính hiện hữu, đầy đủ và giá trị của hàng tồn kho.

Bên cạnh đó, kiểm toán cũng chưa thu thập được biên bản đối chiếu các khoản nợ phải thu của Sông Hồng và của các công ty con tại thời điểm 30/6/2023 với số tiền là 119,05 tỷ đồng (trong đó phải thu khách hàng 52,1 tỷ đồng, trả trước cho người bán 16,5 tỷ đồng, các khoản phải thu khác 50,3 tỷ đồng). Kiểm toán đã thực hiện các thủ tục soát xét thay thế nhưng không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp về tính hiện hữu, đúng đắn, đầy đủ của các khoản nợ phải thu này.

Ngoài ra, kiểm toán cũng cho biết, chưa thu thập được báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty CP Sông Hồng Đà Nẵng - công ty con của Tổng công ty Sông Hồng - do công ty này đã dừng hoạt động, không có cán bộ quản lý và kế toán. Tương tự, kiểm toán chưa thu thập được báo cáo tài chính của một số công ty liên kết như: Công ty CP Sông Hồng 36, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Sông Hồng, Công ty CP Sông Hồng 8.

Với hoạt động kinh doanh, tài chính yếu kém và số liệu chưa thực sự xác thực, việc thoái vốn tại Tổng công ty Sông Hồng nhiều khả năng đi theo “vết xe đổ” của đợt thoái vốn không thành công trước đó.

Chuyên đề