Tổng công ty Sông Hồng âm vốn 182,69 tỷ đồng sau quý I/2018

(BĐT) - Hoạt động kinh doanh bấp bênh, nguồn thu không đủ bù đắp các khoản chi phí cố định, Tổng công ty CP Sông Hồng tiếp tục báo lỗ 8,11 tỷ đồng sau thuế, nâng mức lỗ lũy kế chưa phân phối lên 493,65 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/3/2018, công ty đang âm vốn chủ sở hữu 182,69 tỷ đồng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ngập trong thua lỗ sau cổ phần hóa

Tiền thân của Tổng công ty CP Sông Hồng là Công ty Kiến trúc Việt Trì trực thuộc Bộ Xây dựng được thành lập vào tháng 8/1958. Đến năm 2006, Công ty chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - con và thực hiện cổ phần hóa vào năm 2009 với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là 73,2%. Tính từ thời điểm đó, hoạt động kinh doanh luôn chìm trong thua lỗ.

Điển hình 2 năm 2015 - 2016, công ty mẹ lỗ ròng lần lượt 85 tỷ đồng và 187 tỷ đồng. Chuỗi thua lỗ vẫn tiếp tục được kéo dài đến hết quý I/2018. Cụ thể, năm 2017 và quý I/2018, công ty mẹ lỗ ròng sau thuế lần lượt là 52,21 tỷ đồng và 7,45 tỷ đồng. Điều này khá dễ hiểu khi doanh thu thuần từ mảng hoạt động của Tổng công ty liên tục sụt giảm mạnh. Năm 2017, doanh thu thuần còn khoảng 187,79 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 doanh thu thuần năm 2016. Sang quý I/2018, doanh thu thuần của Tổng công ty cũng chỉ hơn 11 tỷ đồng, không đủ để bù đắp giá vốn cũng như chi phí của doanh nghiệp.

Lũy kế đến ngày 31/3/2018, Tổng công ty CP Sông Hồng lỗ lũy kế 493,65 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 182,69 tỷ đồng. 

Kiểm toán ngoại trừ và nhấn mạnh hàng loạt vấn đề

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 được kiểm toán, hàng loạt vấn đề liên quan đến tình hình tài chính cũng như hoạt động đầu tư và kinh doanh của Tổng công ty tiếp tục được kiểm toán ngoại trừ và nhấn mạnh. Bên cạnh những vấn đề ngoại trừ liên quan đến việc không thu thập được báo cáo tài chính tại các công ty con, Ban điều hành dự án DH 1.6, việc chưa đủ hồ sơ để hoàn tất quyết toán dự án khiến cho việc phản ánh chỉ tiêu tài chính trên bảng cân đối kế toán chưa thực sự hợp lý được kiểm toán CFA nhấn mạnh.

Báo Đấu thầu muốn lưu ý người đọc đến hai vấn đề chính nhiều khả năng sẽ tác động lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong thời gian tới.

Vấn đề đầu tiên liên quan đến việc xác nhận các khoản nợ phải thu, phải trả của Tổng công ty tại hai thời điểm 31/12/2017 và 31/3/2018. Kiểm toán CFA không xác định được tính hiện hữu đầy đủ tại hai thời điểm này (31/12/2017 là 193,2 tỷ đồng; 31/3/2018 là 201,3 tỷ đồng). Còn đối với công ty con thì tại thời điểm 31/3/2018 có khoảng 39,27 tỷ đồng nợ phải thu khách hàng, phải thu khác có nhiều dấu hiệu khó thu hồi song vẫn được giữ nguyên giá trị và không đánh giá lại giá trị tổn thất dự kiến và ghi nhận dự phòng nợ phải thu khó đòi. Theo ý kiến của kiểm toán, tại kỳ kinh doanh từ 1/1/2018 đến 31/3/2018, nếu một số công ty con thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi tương ứng 31,81 tỷ đồng thì kết quả kinh doanh của Tổng công ty sẽ giảm với số tiền tương ứng.

Tiếp đến là việc công ty mẹ lỗ lũy kế 462,97 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2018, vốn chủ sở hữu âm 182,69 tỷ đồng, đồng thời nợ ngắn hạn cũng đã vượt quá tài sản ngắn hạn trong một thời gian dài khiến cho Tổng công ty liên tục rơi vào tình trạng cảnh báo hoạt động liên tục. 

Vốn nhà nước chỉ còn chiếm dưới 50%

Trong quý I/2018, Tổng công ty đã thực hiện thành công việc chào bán 6,52 triệu cổ phần riêng lẻ cho 2 lãnh đạo doanh nghiệp đồng thời là người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cụ thể, ông Lã Tuấn Hưng - Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT mua 2,5 triệu cổ phần (nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,26% lên 9,56%) và thành viên HĐQT Phan Việt Anh mua 4,02 triệu cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,07% lên 14,93%.

Đây là số cổ phần phát hành riêng lẻ theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 nhằm bù đắp vốn nhà nước giảm xuống sau khi chuyển Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Sông Hồng về trực thuộc Bộ Xây dựng. Sau khi thực hiện, vốn điều lệ của doanh nghiệp vẫn được duy trì với 270 tỷ đồng, phần vốn nhà nước giảm từ 73,2% xuống chỉ còn 49%. Nguồn tiền thu được sẽ dùng để trả nợ vay ngắn hạn, đồng thời bổ sung vốn lưu động đã được sử dụng để thanh toán chi phí hoạt động giai đoạn trước đó.

Đây chỉ là hành động tạm thời giúp Tổng công ty thoát khỏi tình trạng khó khăn dòng tiền trước mắt. Về lâu dài, Bộ Xây dựng hay Ban lãnh đạo Tổng công ty cần phải có động thái mạnh mẽ hơn để xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại, giúp doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Chuyên đề