Tồn kho bất động sản lớn, CII tăng áp lực nợ vay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa thông qua phương án huy động 500 tỷ đồng trái phiếu và dùng một phần trong số đó để thanh toán khoản vay đến hạn. Các khoản vay và trái phiếu đến hạn trả của CII ngày càng lớn, trong khi dòng tiền kinh doanh liên tục âm, hàng tồn kho phình to do hoạt động kinh doanh bất động sản không thể triển khai đúng kế hoạch.
Chiếm phần lớn trong giá trị hàng tồn kho của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM là các dự án bất động sản dở dang. Ảnh: Song Lê
Chiếm phần lớn trong giá trị hàng tồn kho của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM là các dự án bất động sản dở dang. Ảnh: Song Lê

6 tháng đầu năm 2021, CII ghi nhận doanh thu 1.964 tỷ đồng, tăng 74,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế ở mức 115,2 tỷ đồng, giảm 70%. Dù có lãi nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty đã âm hai quý liên tiếp. Chỉ số này trong quý I và quý II/2021 lần lượt là âm 343,1 tỷ đồng và âm 467 tỷ đồng. Tình trạng có lãi nhưng không có tiền của Công ty cũng xảy ra trong năm ngoái. Cụ thể, CII lãi ròng 472 tỷ đồng năm 2020 nhưng dòng tiền kinh doanh âm 1.393 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của CII tại thời điểm cuối quý II/2021 ở mức cao 2,88 lần, cao hơn con số đầu năm là 2,79 lần. Điều đó cho thấy hoạt động kinh doanh của Công ty không tạo ra dòng tiền và áp lực nợ vay đang ngày càng cao.

Đi sâu vào cơ cấu tài sản của CII, tính đến ngày 30/6/2021, tổng dư nợ vay và thuê tài chính là 17.500 tỷ đồng, chiếm quá nửa quy mô tổng tài sản và tăng 922 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, các khoản vay ngắn hạn ở mức 2.478,5 tỷ đồng, tăng 15% so với thời điểm đầu năm; các khoản vay dài hạn và trái phiếu đến hạn trả là 1.947 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với đầu năm. Tổng số nợ phải trả ngắn hạn lên đến 4.426 tỷ đồng là khá lớn so với 438,2 tỷ đồng gồm tiền, các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của Công ty.

Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của CII tại thời điểm cuối quý II/2021 ở mức cao 2,88 lần, cao hơn con số đầu năm là 2,79 lần. Điều đó cho thấy hoạt động kinh doanh của Công ty không tạo ra dòng tiền và áp lực nợ vay đang ngày càng cao.

Đáng chú ý, trong tổng số nợ ngắn hạn, CII ghi nhận 367,1 tỷ đồng vay từ các công ty chứng khoán với lãi suất từ 10 - 14%/năm để đầu tư chứng khoán, tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một số công ty thành viên. Đây là lĩnh vực rủi ro lớn bên cạnh bất động sản luôn được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dòng chảy tín dụng chặt chẽ.

Trước áp lực trả các khoản nợ đến hạn, ngày 16/9, Hội đồng Quản trị CII đã thông qua phương án phát hành trái phiếu với giá trị huy động tối đa 500 tỷ đồng để thanh toán 265 tỷ đồng nợ gốc vay tại VPBank theo hợp đồng tín dụng ký ngày 11/12/2020. Số tiền còn lại Công ty dự kiến đầu tư vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội. Đây là lô trái phiếu không có tài sản bảo đảm với lãi suất cố định không quá 10,5%/năm.

Tại thời điểm cuối quý II/2021, giá trị hàng tồn kho của CII lên tới 5.412 tỷ đồng, tăng 15% so với con số đầu năm. Chiếm 4.623 tỷ đồng trong số đó là các dự án bất động sản dở dang như Dự án Nhà ở chung cư Lô 3.15 Khu đô thị Thủ Thiêm, Quận 2, TP.HCM (ghi nhận 1.834 tỷ đồng), Dự án Khu căn hộ cao tầng NBB Garden II và III tại Quận 8, TP.HCM (765 tỷ đồng và 815 tỷ đồng), Dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi (396,3 tỷ đồng)…

CII cho biết, việc dừng thi công các công trình xây dựng do dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoàn thiện pháp lý và tiến độ thi công các dự án bất động sản. Do vậy, việc hạch toán doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch trong năm 2021 gần như bắt buộc phải chuyển sang năm 2022.

Bên cạnh lĩnh vực bất động sản, CII đã dừng việc thu phí dự án BOT theo yêu cầu của cơ quan nhà nước. Việc này dù không ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án BOT trong dài hạn, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận của Công ty trong năm tài chính 2021.

Chuyên đề