“Tối hậu thư” cho loạt dự án PPP tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có 4 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) triển khai trên địa bàn TP.HCM buộc phải xử lý dứt điểm tồn đọng trong tháng 8/2024 theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố. Đây đều là những dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thời gian thực hiện kéo dài dẫn tới bất lợi cho cả Thành phố và nhà đầu tư.
Dự án Đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ đã hoàn thành cách đây 11 năm nhưng gặp khó khăn trong quá trình thanh quyết toán. Ảnh: Châu Tuấn
Dự án Đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ đã hoàn thành cách đây 11 năm nhưng gặp khó khăn trong quá trình thanh quyết toán. Ảnh: Châu Tuấn

Tại cuộc họp chuyên đề về các dự án PPP vừa diễn ra do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chủ trì, UBND Thành phố đã mời 3 nhà đầu tư gồm: Công ty CP Văn Phú Bắc Ái, Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ và Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO tham gia cùng các sở, ban ngành để “chốt” thời gian xử lý tồn đọng.

Được khởi công năm 2017, Dự án BT Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, TP. Thủ Đức do nhà đầu tư Văn Phú Bắc Ái thực hiện đã 4 năm ngưng trệ vì nhiều vướng mắc, trong đó có sự thay đổi chủ trương, chính sách pháp luật lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng. Việc xử lý vướng mắc của Dự án là “không thể chậm trễ” khi các cơ quan liên quan phải hoàn tất tham mưu UBND Thành phố hướng xử lý trước ngày 10/8/2024.

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải, rà soát quy định pháp luật có liên quan; tham mưu, đề xuất UBND Thành phố về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, pháp lý dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất và dự thảo Tờ trình của UBND TP.HCM báo cáo, xin ý kiến của Ban Cán sự đảng UBND Thành phố về quy trình giao đất, cho thuê đất trên cơ sở hợp đồng BT đã ký theo quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Ngoài ra, Nhóm công tác liên ngành (gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp và Sở Giao thông vận tải) rà soát pháp lý liên quan đến Dự án, đánh giá hợp đồng đã ký theo quy định pháp luật tại thời điểm ký kết và gửi kết quả đánh giá cho Sở Tư pháp trước ngày 10/8/2024; đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết đàm phán với Nhà đầu tư, hoàn thành trong tháng 8/2024. Riêng với TP. Thủ Đức, trên cơ sở kinh phí đã nhận, cần khẩn trương giải quyết nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao cho doanh nghiệp dự án đảm bảo tiến độ; tổ chức bảo vệ mặt bằng thi công, tránh tái lấn chiếm.

Đối với nhà đầu tư, UBND TP.HCM đề nghị Công ty CP Văn Phú Bắc Ái khẩn trương xác định cụ thể thời gian ứng tiếp kinh phí để hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng.

Với Dự án Xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân (chuyển đổi hình thức đầu tư từ hợp đồng BOT sang đầu tư công), UBND TP.HCM cho biết, trước ngày 20/8/2024, Sở Tài chính dự thảo văn bản của Thành phố xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính về thanh toán đợt 2 liên quan đến giá trị lợi nhuận ước tính, chi phí lãi vay tính đến ngày Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO nhận được khoản thanh toán chấm dứt phụ lục hợp đồng trước thời hạn. Để thuận lợi cho triển khai thi công, UBND Thành phố yêu cầu hoàn thiện thủ tục liên quan đến di dời lưới điện trong phạm vi Dự án ngay trong đầu tháng 8/2024.

Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ có 2 dự án PPP cần tháo gỡ. Đầu tiên là Dự án Đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ đã hoàn thành cách đây 11 năm. Đây là dự án BT trả bằng tiền với tổng vốn đầu tư 2.972 tỷ đồng. Quá trình thanh toán ngưng trệ do năm 2019, Kiểm toán Nhà nước kết luận Dự án có một số sai sót, yêu cầu nộp lại ngân sách nhà nước số tiền 355,4 tỷ đồng chi sai, đồng thời thực hiện các thủ tục, rà soát thêm khoản chi phí 646,5 tỷ đồng chưa đủ căn cứ, cơ sở quyết toán. “Ngoài việc rà soát pháp lý dự án, cần nhanh chóng hoàn tất tính toán chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng, lãi bảo toàn vốn trong thời gian xây dựng, lãi trả chậm, lợi nhuận nhà đầu tư và thuế giá trị gia tăng trước ngày 15/8/2024”, ông Cường chỉ đạo.

Dự án này do Sở Tài chính làm Tổ trưởng Tổ công tác, cũng là cơ quan đầu mối, điều phối, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đây cũng là dự án phát sinh công tác thu hồi nộp ngân sách nhà nước theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Do đó, UBND TP.HCM không cho phép chậm trễ khi xây dựng các biện pháp, chế tài trong việc thu hồi nộp ngân sách nhà nước.

Dự án Xây dựng cầu Phú Mỹ có thể xem là dự án BOT giao thông đầu tiên của TP.HCM, triển khai từ năm 2004. Đây là cây cầu nối Quận 7 với Quận 2, tổng mức đầu tư 1.806 tỷ đồng với thời gian thu phí hoàn vốn là 26 năm, trong đó vốn vay ngân hàng nước ngoài do UBND TP.HCM bảo lãnh, nhưng do chậm tiến độ nên đội vốn lên gần 3.000 tỷ đồng. Dự án đã được đưa vào khai thác năm 2009, tuy nhiên, việc xác định tổng mức đầu tư, chi phí lãi vay…, đặc biệt là việc quản lý hợp đồng dự án bộc lộ nhiều bất cập mà đến nay chưa được xử lý dứt điểm. Do đó, lãnh đạo Thành phố yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đàm phán điều chỉnh hợp đồng BOT Dự án trong tháng 8/2024.

Theo TS. Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP.HCM, tồn tại tài chính của các dự án PPP hạ tầng giao thông tại Thành phố do các bên ký hợp đồng không tuân thủ quy định pháp luật. Đặc biệt là khâu quản lý hợp đồng PPP gần như bỏ trống, không có kiểm soát, giám sát kịp thời dẫn tới kéo dài vi phạm. Bên cạnh đó, TP.HCM là địa phương sớm đầu tư theo các hợp đồng BT, BOT so với cả nước, nên khi thực hiện còn nhiều lúng túng. Thành phố đang nỗ lực xử lý dứt điểm tồn đọng để các dự án hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo môi trường hấp dẫn nhà đầu tư PPP trong giai đoạn tới, với khung pháp lý đã hoàn thiện nhiều so với trước.

Chuyên đề