“Tối hậu thư” cho Đường sắt Cát Linh - Hà Đông

(BĐT) - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa đã ra “tối hậu thư” yêu cầu Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông phải hoàn thành trước ngày 31/12/2016. Tuy nhiên, trước những khó khăn ngổn ngang của dự án này, dư luận vẫn đặt dấu hỏi liệu tuyến đường sắt này có về đích đúng hạn?
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bộ GTVT ra “tối hậu thư” cuối cùng?

Liên tục chậm tiến độ và lỡ hẹn về mốc hoàn thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã phải ra “tối hậu thư” để đốc thúc tổng thầu là Công ty HH tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc tập trung lực lượng, bổ sung nhân sự trong công tác quản lý, thi công để đáp ứng tiến độ, chậm nhất ngày 31/12/2016 hoàn thành ga Cát Linh và ga Vành đai 3, các ga còn lại hoàn thành trước ngày 1/10/2016.

Trong thông điệp gửi Tổng thầu, đánh giá về tổng thể tiến độ Dự án, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, mặc dù từ tháng 10/2014, Bộ GTVT đã trực tiếp chỉ đạo và có nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tồn tại của Dự án nhưng đến nay, tiến độ thi công vẫn chưa đáp ứng kế hoạch, ảnh hưởng đến hình ảnh của các nhà thầu Trung Quốc đang tham gia tại thị trường Việt Nam.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ GTVT cho biết, hiện dự án này vẫn đang nằm trong tiến độ hoạch định. Theo mốc thời gian cuối cùng mà Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra thì còn khoảng gần 6 tháng nữa công trình này phải hoàn thành. Với trách nhiệm của đơn vị giám sát thực hiện hợp đồng, Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông đang dựa vào những mốc thời gian được “chốt” rất cụ thể này để đốc thúc tiến độ đối với Tổng thầu. Còn việc Dự án có về được “đích mới” như đã định hay không (31/12/2016) thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Cụ thể, tiến độ tháo gỡ các vướng mắc hiện tại của Dự án không chỉ phụ thuộc vào phía Trung Quốc, mà còn liên quan đến cả phía Việt Nam. Bộ GTVT đang xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án này nhằm đẩy nhanh tiến độ, tìm “phương án đầu ra” cho Dự án. 

Vẫn “ngổn ngang trăm mối”

Theo đại diện Bộ GTVT, với  Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, ngoài khó khăn về vốn để thi công tiếp (phần vốn tăng thêm của Dự án), còn rất nhiều vấn đề liên quan, khá phức tạp
Theo đại diện Bộ GTVT, với  Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, ngoài khó khăn về vốn để thi công tiếp (phần vốn tăng thêm của Dự án), còn rất nhiều vấn đề liên quan, khá phức tạp, do đây là dự án đầu tiên Bộ triển khai theo hình thức hợp đồng EPC, sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc. Văn bản quy phạm pháp luật cũng như cách thức triển khai của Trung Quốc và Việt Nam là khác nhau, vì vậy, sự vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án là khó tránh khỏi. Để Dự án triển khai đúng tiến độ, cần có sự chia sẻ từ 2 phía và các bên liên quan.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, qua giám sát trực tiếp tại công trường Dự án cho thấy, hiện tại Tổng thầu vẫn chưa tập trung tối đa lực lượng, nhất là nhân sự quản lý, thi công để đáp ứng tiến độ Dự án; công tác hoàn thiện đối với các ga đã hoàn thành xong kết cấu khung chính vẫn chưa được Tổng thầu quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, Tổng thầu vẫn chưa lập kế hoạch chi tiết, rõ ràng phương án lắp đặt thiết bị khi thiết bị của Dự án được chuyển về Việt Nam…

Tại cuộc họp mới đây kiểm điểm tiến độ Dự án với các bên liên quan, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu Tổng thầu phải có báo cáo chi tiết cho từng hạng mục đang thi công để Ban QLDA đường sắt cùng các bên liên quan có thể kiểm soát tiến độ, đồng thời thay thế ngay các nhà thầu phụ không đáp ứng yêu cầu.

Đối với Ban QLDA đường sắt, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu, cần phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung giải quyết các vướng mắc đối với hợp đồng mua sắm thiết bị trên nguyên tắc tôn trọng hợp đồng EPC theo hình thức hợp đồng trọn gói; khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra, nghiệm thu đối với đoàn tàu mẫu đã chế tạo tại Trung Quốc làm cơ sở để tiến hành sản xuất đại trà. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng yêu cầu Ban QLDA đường sắt chỉ đạo Tổng thầu tăng cường kiểm tra, giám sát vấn đề an toàn thi công, an toàn lao động, tuyệt đối không để xảy ra các sự cố như thời gian qua.

Mặc dù “hạn chót” để hoàn thành Dự án đã được “chốt”, các hạng mục công trình được hoàn thành vào cuối năm 2016, nhưng để đưa vào vận hành công trình này thì vẫn phải mất một thời gian không ngắn để vận hành thử đoàn tàu, kiểm tra an toàn, lái tàu, thẩm định an toàn. “Sau khi xây xong, phải vận hành chạy thử đoàn tàu 1 - 2 tháng. Nếu quá trình vận hành thử mà bị trục trặc thì lại mất thời gian để khắc phục, không phải cứ xây xong là chạy được luôn”, đại diện Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông cho biết.

Một câu hỏi được đặt ra ở đây là với những khó khăn đang chồng chất, liệu bao giờ công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ về đích, được đưa vào vận hành thương mại một cách an toàn? Và liệu Tổng thầu, vì danh dự và trách nhiệm, có dốc sức để hoàn thành công trình này để lấy lại lòng tin, uy tín và hình ảnh của nhà thầu Trung Quốc tại thị trường xây dựng Việt Nam hay không?

Chuyên đề