Khối Đại đoàn kết thăng hoa khi toàn dân tộc Việt Nam có chung ý chí “Tổ quốc trên hết” |
Việt Nam ta bước vào quỹ đạo của một kỷ nguyên mới với các cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập và hoàn thành thống nhất đất nước, rồi lại tiếp tục đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Còn với công cuộc Đổi mới và Hội nhập, sự kiện Cách mạng Tháng Tám có ý nghĩa gì?
Quyết đoán khi có cơ hội
"Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Dũng cảm tiến lên". Đó là lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời khắc quyết định sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Vào thời điểm phát xít Nhật vừa tuyên bố đầu hàng, các thế lực đế quốc trong sắc áo Đồng Minh, như Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch hay nước Pháp của De Gaule, lăm le tiến vào Đông Dương, mọi sự do dự đều khiến cho cơ hội giành độc lập “ngàn năm có một” trôi qua.
Ngày 13/8/1945, khi Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, từ chiến khu Việt Bắc, vừa ban bố Quân lệnh số 1 phát lệnh tổng khởi nghĩa với tinh thần “cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!”, thì ngày 14/8, tỉnh Quảng Ngãi đã nổi dậy giành chính quyền... Và 19/8, chỉ 5 ngày sau đó, cùng với nhiều địa phương, Hà Nội đã tổng khởi nghĩa thành công trước khi nhận được quân lệnh từ Trung ương. Tiếp đó, ngày 23/8 rồi ngày 25/8, ở hai trung tâm lớn của đất nước là Huế và Sài Gòn, chính quyền về tay nhân dân... Chế độ thuộc địa sụp đổ và chế độ quân chủ ở Việt Nam cũng tự cáo chung.
Nắm bắt và hành động đúng cơ hội là một nhân tố quyết định thắng lợi của sự kiện diễn ra cách đây hơn 7 thập kỷ. Nhưng có được kỳ tích đó là nhờ sự chuẩn bị lâu dài với tinh thần "đem sức ta tự giải phóng cho ta", "công việc của ta trước hết ta phải tự làm lấy".
Chủ động tạo dựng vị thế
Cơ hội ấy không chỉ đến nhờ những biến cố khách quan của lịch sử, mà còn có được nhờ tầm nhìn xa của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi tạo ra mối quan hệ đồng minh với các lực lượng Đồng Minh trên chiến trường Thái Bình Dương, vào thời điểm ấy và không gian ấy là quân đội Hoa Kỳ. Có một thực tế lịch sử là trong Cách mạng Tháng Tám 1945, lực lượng nước ngoài duy nhất ủng hộ và đứng bên cạnh Hồ Chí Minh lại là Hoa Kỳ. Ngày 16/7/1945, một đơn vị biệt kích Mỹ nhảy dù xuống Tân Trào, Đại đội Việt - Mỹ được thành lập, tham dự lễ chào mừng tại Đại hội Quốc dân Tân Trào rồi xuất quân vây quân Nhật ở Thái Nguyên...
Hãy nhớ rằng, ngay sau khi được thành lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đưa ra thông điệp sáng suốt thấu tới ngày nay: "Việt Nam làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai". Đồng thời đệ trình tới Liên hiệp quốc một chính sách minh bạch: "Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”. Thông điệp ấy còn được thể hiện trong nhiều văn kiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Hoa Kỳ và ngay cả với nước Pháp.
Dấu ấn của chủ nghĩa dân tộc
Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam đã diễn ra không giống như bất kỳ một biến cố nào đã từng xảy ra trên thế giới. Một cuộc cách mạng triệt để đã tạo dựng nên một nước Việt Nam độc lập theo chế độ Dân chủ - Cộng hoà, được khẳng định bằng một cuộc Tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu, bầu ra Quốc hội và thảo ra Hiến pháp, hệ thống pháp luật cùng bộ máy hành pháp cho một quốc gia thống nhất. Cách mạng diễn ra mau lẹ nhưng lại ôn hoà. Rất ít máu đổ, rất ít đạn nổ.
Một cuộc cách mạng không có đầu của vua rơi như Louis 16 ở Cách mạng Pháp 1789 hay Hoàng gia bị thảm sát như số phận của Sa hoàng Nicolas đệ Nhị ở nước Nga trong Cách mạng Xô viết 1917. Trái lại, ông vua Việt Nam tự tuyên bố thoái vị và nói được một câu để đời: "Thà làm công dân một nước độc lập hơn làm vua của một nước nô lệ”. Một cuộc cách mạng mà con trai của một đại quan trong triều lại là người kéo lá cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài của kinh thành Huế trước khi chính quyền về tay nhân dân để rồi về sau trở thành một sĩ quan nổi tiếng thao lược trong đạo quân cách mạng (Đặng Văn Việt). Một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo mà thu hút vào đội ngũ của mình mọi thành phần xã hội, kể cả quan lại, địa chủ, các tầng lớp trí thức và giới công thương...
Người đứng đầu của cuộc cách mạng, từ chiến khu lần đầu đặt chân tới Hà Nội, đã chọn ngôi nhà của người giàu nhất (Trịnh Văn Bô) nằm giữa khu phố sầm uất nhất Thủ đô làm nơi soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Và lúc Tổ quốc lâm nguy thì biết dựa vào nguồn lực của những người giàu có để gây Quỹ Độc lập. Trong thành phần những chính phủ đầu tiên có mặt rất nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Bộ trưởng của “Chính phủ bù nhìn” vẫn có thể đảm nhận Bộ trưởng Quốc phòng của Chính phủ cách mạng (Phan Anh); Thượng thư Bộ Hình của Nam triều vẫn được giao phó trọng trách Trưởng ban Thanh tra đặc biệt chuyên giám sát bộ máy quan chức của nhà nước cách mạng (Bùi Bằng Đoàn); Khâm sai đại thần của chế độ cũ dần trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ (Phan Kế Toại)... Đảng Cộng sản Đông Dương đủ bản lĩnh và lòng tự tin để tuyên bố tự giải tán (11/1945), nhiều thành viên Việt Minh trong Chính phủ sẵn sàng “nhường chức” cho người thuộc đảng phái khác...
Đó là một hình ảnh tiêu biểu “vô tiền khoáng hậu” của chủ nghĩa dân tộc, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc thăng hoa, và dù sau này có lúc bị phai nhạt thì nó vẫn là nguồn gốc cho mọi thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Khối Đại đoàn kết ấy thăng hoa khi toàn dân Việt Nam có chung ý chí đặt “Tổ quốc trên hết”. Và nó sẽ mất đi sức mạnh khi lợi ích của Tổ quốc bị đặt thấp hơn một cái gì khác. Đó là bài học lịch sử sâu sắc nhất của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã được trải nghiệm qua hơn bảy thập kỷ đấu tranh gian khổ của dân tộc Việt Nam.