Tình trạng các gói thầu đấu qua mạng chỉ có 1 nhà thầu tham gia: Lỗi tại trình độ, hạ tầng công nghệ?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo của các địa phương về tình hình công tác đấu thầu năm 2022 cho thấy hầu hết đáp ứng lộ trình đấu thầu qua mạng. Điều này thể hiện qua số lượng gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tăng mạnh, nhiều địa phương vượt kế hoạch rất sớm. Tuy nhiên, số lượng nhà thầu tham gia tại mỗi gói thầu lại rất thấp.
Tỷ lệ nhà thầu tham gia trên mỗi gói thầu đấu thầu qua mạng chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt tại các gói thầu xây lắp. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Tỷ lệ nhà thầu tham gia trên mỗi gói thầu đấu thầu qua mạng chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt tại các gói thầu xây lắp. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Theo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, tỷ lệ nhà thầu tham gia trên mỗi gói thầu chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt tại các gói thầu thuộc lĩnh vực xây lắp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đắk Lắk cho biết, các gói thầu xây lắp tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng có tỷ lệ giảm giá sau đấu thầu thấp. Tình trạng các gói thầu chỉ có một nhà thầu tham gia vẫn phổ biến. Đây cũng là tình trạng xảy ra tại Gia Lai, được Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai chỉ rõ trong báo cáo công tác đấu thầu năm 2022.

Theo UBND tỉnh Bến Tre, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng kém thu hút nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng. Cụ thể, cán bộ làm công tác đấu thầu của một số bên mời thầu còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm. Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng các bên mời thầu vẫn còn một số thiếu sót trong quá trình triển khai như đăng tải hồ sơ mời thầu (HSMT), mở thầu, đăng tải thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ đấu thầu qua mạng chưa đầy đủ, đường truyền còn yếu, máy móc, thiết bị chưa đồng bộ ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện.

Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu nhận xét, năng lực của cán bộ chuyên môn về công nghệ thông tin tại nhiều chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế, nhất là việc tải dữ liệu HSMT lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đôi lúc chưa đầy đủ, thiếu thông tin. Đơn cử, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công… của HSMT đôi khi không có dữ liệu, phải liên hệ trực tiếp bên mời thầu mới có được hồ sơ. Bên cạnh đó, bên mời thầu (hoặc tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp) lập HSMT còn một số nội dung chưa chặt chẽ, chưa sát với thực tế và quy định về đấu thầu. Do đó, phải tốn nhiều thời gian để chỉnh sửa, bổ sung, làm rõ trong quá trình tổ chức đấu thầu. Đồng thời, tổ chuyên gia do chủ đầu tư thành lập tuy có chứng chỉ theo quy định, nhưng năng lực còn hạn chế, việc đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá còn mang tính chủ quan, chưa bám sát quy định.

Ở khía cạnh khác, tỉnh Đắk Nông cho rằng, hạ tầng công nghệ thông tin của một số chủ đầu tư còn yếu kém, mạng Internet tại một số xã, huyện chập chờn, ngắt quãng, không ổn định ảnh hưởng lớn đến việc tải HSMT, nên nhà thầu không hào hứng tham gia.

Nhiều địa phương cho rằng, nhân sự làm công tác đấu thầu của một số chủ đầu tư/bên mời thầu thường xuyên thay đổi nên thiếu kinh nghiệm, nhất là trong việc lập HSMT; công tác thẩm định HSMT chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng thẩm định chưa cao, dẫn đến các tiêu chuẩn trong HSMT chưa rõ ràng, chưa phù hợp với quy định, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Đây là lý do lớn khiến nhiều gói thầu chỉ thu hút 1 nhà thầu tham dự.

Tại Đồng Tháp, kết quả thanh tra 5 đơn vị trên địa bàn cho thấy, vẫn còn một số chủ đầu tư/bên mời thầu chưa chấp hành nghiêm quy định về đấu thầu qua mạng, xây dựng nhiều tiêu chí bất cập.

Thực tế, nhiều địa phương đã đưa các gói thầu chỉ thu hút 1 nhà thầu tham dự vào diện giám sát, theo dõi để chấn chỉnh. Tuy nhiên, từ những nguyên nhân nêu trên, chuyên gia đấu thầu Phạm Minh Yến cho rằng, việc siết chặt công tác xây dựng HSMT, nâng cao chất lượng khâu thẩm định, phê duyệt HSMT để hạn chế tối đa những “hạt sạn”, “chiêu trò” cản trở sự tham gia của đông đảo nhà thầu mới là liều thuốc quan trọng nhất nhằm cải thiện tình trạng chỉ 1 nhà thầu tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu.

Chuyên đề