Tín hiệu tích cực từ thu hút đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 7 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đăng ký tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,5%). Đây là lần đầu tiên trong năm 2023, tổng vốn ĐTNN đăng ký ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ. Cùng với đó vốn thực hiện cũng duy trì đà tăng, cho thấy những tín hiệu tích cực trong thu hút ĐTNN. 
Việt Nam định hướng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… Ảnh: Tường Lâm
Việt Nam định hướng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… Ảnh: Tường Lâm

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút vốn ngày càng gay gắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang nghiên cứu những hình thức hỗ trợ, ưu đãi để thu hút vốn mới, nhưng vẫn tuân thủ quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và các cam kết quốc tế.

Vốn đăng ký mới lần đầu tiên tăng so với cùng kỳ

Theo Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/7/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2022, tăng 8,8 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.

Cục ĐTNN cho biết, tính riêng trong tháng 7/2023, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 6/2023, tăng 41,9% so với tháng 5/2023 và tăng 85,7% so với tháng 7/2022. Trong đó, mức tăng vốn đầu tư mới so với cùng kỳ tiếp tục tăng mạnh hơn so với các tháng đầu năm. Số dự án đầu tư mới cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư điều chỉnh giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 42,5%), song đang có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm. Số lượt dự án điều chỉnh vốn duy trì mức tăng so với cùng kỳ 2022, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.

Vốn đầu tư thực hiện 7 tháng cũng duy trì mức tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022, ước tính giải ngân được khoảng 11,58 tỷ USD, tăng 0,3 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm. Theo Cục ĐTNN, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.

Trong tháng 7/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 85,7% so với tháng 7/2022. Ảnh: Tường Lâm

Trong tháng 7/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 85,7% so với tháng 7/2022. Ảnh: Tường Lâm

Làm gì để duy trì sức hấp dẫn vốn ĐTNN?

Theo GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN (VAFIE), dù kết quả thu hút ĐTNN là rất lớn, nhưng không thể “ngủ yên trong thắng lợi”. Hiện nay, Việt Nam phải cạnh tranh nhiều đối thủ cũng đang muốn thu hút đầu tư vào công nghệ tương lai, công nghệ xanh, như Ấn Độ và Indonesia. Cả Ấn Độ và Indonesia đều có nhân lực dồi dào hơn, giá rẻ, chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ với nhiều ưu đãi hơn…

GS. Nguyễn Mại chỉ ra 4 vấn đề mà các nhà đầu tư lớn rất quan tâm khi đầu tư. Thứ nhất, nhà đầu tư đánh giá cao công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam gần đây nhưng họ vẫn e ngại tham nhũng vặt của công chức, viên chức thực thi pháp luật. Thứ hai là tình trạng buôn lậu, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Thứ ba là dù hệ thống pháp luật hiện nay dần dần hoàn chỉnh, nhưng nên quan tâm đến sự ổn định, tính minh bạch, công khai của luật pháp, không nên điều chỉnh chính sách, đặc biệt là về thuế, nhanh chóng đến mức không dự báo được. Thứ tư là thủ tục phiền hà, dù Chính phủ rất quyết liệt cắt giảm thủ tục nhưng cần phải cải thiện hơn nữa.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức lớn trong thu hút ĐTNN. Đó là phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn, tình hình kinh tế khó khăn khiến dòng ĐTNN suy giảm, chính sách bảo hộ của các nước, suy giảm lợi thế trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu… Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam nhận thức rõ cần thay đổi nhanh hơn để thích ứng với bối cảnh mới. Việt Nam đang tập trung vào 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế đồng bộ hơn; dồn lực đầu tư hạ tầng chiến lược, cuối năm 2025 sẽ có những thay đổi đáng kể về hạ tầng của Việt Nam; tập trung đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, cộng với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi dậy động lực từ văn hóa và con người Việt Nam, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư,... Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu về những hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, làm thế nào để vẫn khuyến khích được đầu tư, hỗ trợ được nhà ĐTNN cạnh tranh, nhưng không vi phạm quy định của OECD cũng như các cam kết quốc tế.

Mặc dù vẫn còn những vấn đề mà nhà đầu tư e ngại nhưng GS. Nguyễn Mai tin rằng, các nhà đầu tư không bỏ Việt Nam. Một số nhà đầu tư lớn đã có cam kết rót hàng chục tỷ USD vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chúng ta rất muốn thu hút là R&D, bán dẫn. Những cam kết như vậy sẽ đưa Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất chất bán dẫn để xuất khẩu trên thế giới. Việt Nam có cơ hội và sẽ tận dụng được cơ hội nếu sửa đổi sớm 4 vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm.

Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ngày 26/7/2023, ông Tony Blair, cựu Thủ tướng Anh, Chủ tịch điều hành Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) đánh giá, Việt Nam có uy tín rất tốt trên trường quốc tế, có tiềm năng lớn về thu hút ĐTNN. Đặc biệt, việc Việt Nam thể hiện rõ định hướng, tham vọng lớn trong thúc đẩy chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững... được đánh giá cao, tạo ra sức hút mới đối với nhà đầu tư quốc tế.

Theo ông Tony Blair, Việt Nam có sức hút rõ ràng, nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao thu hút được đầu tư vào lĩnh vực mới, lĩnh vực ưu tiên theo định hướng xây dựng nền kinh tế dựa nhiều hơn vào hàm lượng tri thức, đổi mới sáng tạo… Ông Blair gợi ý Việt Nam cần thu hút ĐTNN một cách chiến lược, một mặt xác định lĩnh vực, ngành nghề cụ thể, thế mạnh để kêu gọi thu hút đầu tư, mặt khác cần xác định cả nhà đầu tư cụ thể, định hướng rõ giải pháp thu hút để họ lưu ý đến Việt Nam. Với những lĩnh vực mới, ông Tony Blair cho rằng, Việt Nam vẫn có lợi thế về lực lượng lao động và thị trường lớn. Những doanh nghiệp có công nghệ mới sẽ muốn tới những thị trường lớn như Việt Nam.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư