Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo báo cáo mới nhất về tình hình thị trường thép được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, tính chung quý I/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 6,692 triệu tấn, giảm 20,9%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 6,068 triệu tấn, giảm 25,4% so với quý I/2022.
Về tình hình xuất khẩu thép, trong tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 796 nghìn tấn thép, tăng 18,49% so với tháng 1/2023 và tăng 31,79% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 602 triệu USD, tăng 46,91% so với tháng trước và tăng 13,92% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh tiêu thụ giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng đã chuyển biến tích cực hơn so với các quý gần đây.
Kết thúc quý I/2023, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát - doanh nghiệp thép có thị phần lớn nhất cả nước - ghi nhận doanh thu đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 383 tỷ đồng. Dù con số lợi nhuận chỉ bằng 5% so với quý I/2022, nhưng đây được xem là kết quả khả quan sau 2 quý thua lỗ trước đó.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 1,2 triệu tấn thép thô, giảm 42% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với 3 tháng đầu năm 2022.
Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC cho biết, biến động về vĩ mô, về ngành thép toàn cầu và sự khó khăn, trầm lắng của thị trường tiêu thụ trong nước đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, nhờ vào sự phục hồi của giá thép, sự chủ động của Công ty trong việc duy trì mức tồn kho hợp lý, ổn định sản xuất..., kết quả kinh doanh trong quý đầu năm 2023 đã tích cực hơn so với 2 quý liền kề.
Cụ thể, năm 2022, Công ty báo lỗ liên tiếp ở quý III và quý IV; trong đó, quý IV/2022 lỗ kỷ lục hơn 500 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2023, Công ty ghi nhận 3.387 tỷ đồng doanh thu, giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt gần 21 tỷ đồng, bằng 25% quý I/2022.
Sau 2 quý cuối năm 2022 thua lỗ 606 tỷ đồng, Công ty CP Tôn Đông Á báo lãi trở lại trong quý I/2023, đạt 204,5 tỷ đồng. Mặc dù vậy, doanh thu trong quý này của Công ty chỉ đạt 3.939,5 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 6.314,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên ngày 21/4, ông Võ Hoàng Vũ - Tổng giám đốc Công ty CP Thép Nam Kim chia sẻ tình hình doanh thu sụt giảm trong quý đầu năm nay. Dù lợi nhuận của Công ty âm gần 50 tỷ đồng, nhưng thấp hơn mức lỗ của quý III và quý IV/2022.
Một số doanh nghiệp thép quy mô nhỏ hơn như Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên cũng đã công bố Báo cáo tài chính quý I/2023. Theo đó, Công ty ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý đầu năm giảm 20,7%, đạt 1.431 tỷ đồng. Chi phí tăng cao khiến lợi nhuận ròng đạt 6,2 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 86,3 tỷ đồng ở quý I/2022.
Trong khi đó, quý I/2023, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) ghi nhận mức lỗ gần 19 tỷ đồng - đánh dấu 3 quý lỗ liên tiếp.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu tại cuộc họp ĐHĐCĐ diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát kỳ vọng, đến quý IV/2023, thị trường tiêu thụ thép nội địa sẽ khởi sắc trở lại.
“Có 3 lĩnh vực chính tiêu thụ thép là bất động sản, đầu tư công và đầu tư của dân. Trong đó, khả năng thị trường bất động sản trong 2 quý tiếp theo vẫn chưa thể khởi sắc. Về đầu tư công quý II, III/2023, chúng tôi dự kiến sẽ tốt dần lên, còn đầu tư của dân vẫn có nhưng không quá tốt”, ông Nguyễn Việt Thắng nhận định.