Tín hiệu sáng từ đơn đặt hàng xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù thị trường còn khó khăn, song nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, đơn đặt hàng mới đang có chuyển biến lạc quan, có DN đã có đơn hàng xuất khẩu (XK) đến hết quý II/2024.
Dệt may là một trong số những nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 2 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Lê Tiên
Dệt may là một trong số những nhóm hàng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 2 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Lê Tiên

Tín hiệu tích cực từ đơn hàng XK

Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho biết, đến thời điểm hiện tại, doanh thu ước tính cho đơn hàng quý I/2024 của Công ty cao hơn cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, Công ty đã và đang nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý II/2024 với thị trường XK chính là: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…

Về triển vọng thị trường thời gian tới, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công kỳ vọng đơn hàng XK năm 2024 khả quan hơn năm trước. Theo đó, Công ty đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 khoảng 3.707 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023; kế hoạch lợi nhuận sau thuế 161,2 tỷ đồng, tăng khoảng 21%.

Cũng trong lĩnh vực dệt may, chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, dù chịu tác động từ xung đột Biển Đỏ khiến đơn hàng từ Hoa Kỳ và châu Âu sụt giảm, song nhiều DN may mặc vừa có thêm đơn hàng từ khu vực Trung Đông và Đông Nam Á. “Hiện tình hình đơn hàng của của các đơn vị thuộc Tổng công ty khá ổn, trong đó, hầu hết các đơn vị đã có đơn hàng XK đến hết quý II”, đại diện Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết.

Trước đó, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhiều DN thành viên đã có đơn hàng đến tháng 6/2024, thậm chí có DN đã nhận đơn hàng đến hết năm nay. Bên cạnh đó, ngành sợi cũng được nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo.

Số liệu của Bộ Công Thương ghi nhận, dệt may là một trong số những nhóm hàng XK đạt mức tăng trưởng 2 con số (tăng 15%) trong 2 tháng đầu năm 2024.

Với DN ngành gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, đơn hàng của các DN trong ngành có những tín hiệu phục hồi, nhất là từ thị trường châu Âu, Hoa Kỳ…

Bộ Công Thương cho hay, nhiều nhóm hàng XK khác như: nông - lâm - thủy sản; công nghiệp chế biến; điện thoại các loại và linh kiện; giày dép các loại; sắt thép các loại… cũng đón nhận thông tin tốt về tình hình đơn hàng trong quý I/2024.

Đẩy mạnh tái cấu trúc, đón cơ hội mới

Ghi nhận những tín hiệu tích cực về tình hình đơn hàng quý I/2024, nhưng phần lớn DN, nhất là những DN có tham gia XK hàng hóa đều nhận định, thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức với các yếu tố khó lường.

Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công chỉ ra, ngành công nghiệp thời trang đang đối mặt với mức độ giám sát toàn cầu ngày càng tăng về các hoạt động trong chuỗi cung ứng, đồng thời đối diện với áp lực gia tăng từ vấn đề ô nhiễm môi trường. Do đó, Công ty cho biết đang tập trung hướng đến sản xuất thời trang bền vững, nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã và đang chuyển đổi theo hướng đi này. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Coats (Vương quốc Anh) vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong sản xuất vải và trang phục chống cháy. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, đây là bước đi thử nghiệm để nghiên cứu và tìm kiếm thị trường ngách, một hướng đi thoát khỏi khu vực sản xuất dệt may thông thường ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, DN ngành gỗ gặp nhiều thách thức, trong đó có việc chi phí logistics tăng cao. “Căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ kéo dài nhiều tháng nay chưa được giải quyết đang làm đứt gãy chuỗi vận tải biển quốc tế. Các tàu vận tải hàng hóa XK từ Việt Nam sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ… buộc phải di chuyển với cung đường xa hơn, khiến chi phí logistics tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của DN”, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam trăn trở.

Để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức của thị trường, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, các DN cần nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để tái cấu trúc hoạt động và có thêm nhiều đơn hàng trong thời gian tới.

Chuyên đề