Tìm giải pháp nâng “chất” nguồn nhân lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nguồn nhân lực dồi dào, cần mẫn, giá rẻ là lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nhiều năm qua, nhưng lợi thế này đang dần mất đi trong bối cảnh mới. Làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế của nguồn nhân lực khi thời kỳ dân số vàng còn lại không dài, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Năng suất lao động là chỉ tiêu đặc biệt quan trọng giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Ảnh: Tiên Giang
Năng suất lao động là chỉ tiêu đặc biệt quan trọng giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Ảnh: Tiên Giang

Trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, đầu năm 2023, nhiều đại biểu thể hiện sự lo lắng khi 2 năm liên tiếp không đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân - đoàn ĐBQH Bình Dương, năng suất lao động là chỉ tiêu đặc biệt quan trọng giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, vì rõ ràng không thể tăng GDP liên tục, tốc độ cao mà chỉ dựa vào vốn và lao động giá rẻ như thời gian trước đây.

Nhận định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - đoàn ĐBQH Lạng Sơn cho rằng: “Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng thì nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu”.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ngày 6/6/2023, nhiều ĐBQH nêu lại vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) cho rằng, thị trường lao động Việt Nam bắt đầu có cải thiện, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn ở vị trí thấp so với nhiều nước trong khu vực, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 26%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt đến 50%. Xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam cũng thuộc nhóm cuối của ASEAN. “Đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực của nước ta mới tiến lên tiệm cận với các nước trong khu vực?”, đại biểu Nguyễn Thị Hà chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Người Việt Nam rất thông minh và chịu khó, nhưng làm thế nào để năng suất lao động của người Việt Nam phát triển, thoát khỏi vùng trũng khu vực ASEAN và ngang bằng các nước trên thế giới?”.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đặt vấn đề, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và đã đi được một chặng đường dài. Những năm tới cần phải tăng tốc để tận dụng cơ hội này. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã bứt phá, phát triển nhanh nhờ tận dụng thành công giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Tuy nhiên, cũng không ít quốc gia bỏ lỡ, chìm sâu trong bẫy thu nhập trung bình. Việc tận dụng cơ hội dân số vàng là một thách thức trong thực hiện Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam được nhiều cử tri mong chờ. Các giải pháp đột phá, ưu tiên để tận dụng cơ hội này trong thời gian tới là câu hỏi mà đại biểu Nguyễn Minh Tâm đặt ra với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, năng suất lao động thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó phụ thuộc 2 vấn đề lớn là công nghệ và kỹ năng, trình độ của người lao động. Thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, có 3 vấn đề cần chú ý: cơ cấu lại lực lượng lao động; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; hạn chế các ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động.

Dù vẫn nằm trong giai đoạn dân số vàng, nhưng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam cũng thuộc loại nhanh nhất. Do đó, thời gian tới, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của nguồn nhân lực. Đây là một bài toán mang tính chất tổng thể. Hiện nay, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam về nhân lực không cao. Năm 2019 đứng ở vị trí khoảng 120/180 quốc gia. Một số vấn đề lưu tâm là trong quá trình chuyển đổi xã hội sẽ dẫn đến việc tự động hóa cao, vì vậy, khoảng 30% lực lượng lao động không thích ứng công nghệ mới, 40% sẽ phải chuyển đổi nghề nghiệp. Vì vậy phải khắc phục được các vấn đề: ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ đào tạo, kỹ năng quản trị hệ thống.

Bộ trưởng nêu các giải pháp quan trọng trong thời gian tới để tận dụng thời cơ dân số vàng, từ tăng cường đào tạo đến chuẩn bị kịch bản cho dân số già, đào tạo lại, chăm lo lực lượng người cao tuổi để vừa phát huy, vừa sử dụng, tận dụng chất xám, kinh nghiệm, năng lực cũng như khả năng của người cao tuổi.

Đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) bổ sung, năng suất lao động thấp còn do một nguyên nhân lớn, đó là tính chịu trách nhiệm cá nhân còn thấp. Chẳng hạn, thay vì 1 việc chỉ cần 1 cá nhân chịu trách nhiệm quyết định thì lại tổ chức 1 cuộc họp, vì vậy năng suất lao động giảm. Nếu nhìn nhận nguyên nhân từ quy trình, thủ tục giải quyết công việc sẽ giúp có thêm giải pháp tốt hơn trong việc nâng cao năng suất lao động.

Chuyên đề