Tìm đường xác lập vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để thúc đẩy liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp (DN) Việt Nam không thể chỉ thụ động, phụ thuộc vào khu vực DN FDI, mà phải chủ động xây dựng, duy trì lợi thế cạnh tranh và nỗ lực vươn lên. Đó sẽ là mũi tên trúng nhiều đích, không chỉ để bắt tay được với DN FDI, mà còn giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, củng cố sức mạnh nội tại của nền kinh tế, phát triển bền vững.
Khi tìm kiếm đối tác ở Việt Nam, các doanh nghiệp FDI rất quan tâm tới mức độ đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ hiện đại. Ảnh: Lê Tiên
Khi tìm kiếm đối tác ở Việt Nam, các doanh nghiệp FDI rất quan tâm tới mức độ đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ hiện đại. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp Việt khó chen chân vào chuỗi cung ứng

“Cách đây 10 năm, tôi đi khảo sát về công nghiệp hỗ trợ tại 1 khu công nghiệp gần Hà Nam và đến bây giờ vẫn chỉ có 3 - 4 DN công nghiệp hỗ trợ. Giám đốc 1 DN, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa cho biết, không thể kết nối vào chuỗi giá trị của DN nước ngoài. Cần 300 tỷ đồng để đầu tư 1 dây chuyền công nghệ đủ sức tạo ra sản phẩm cung ứng cho Samsung, muốn vậy cần 90 tỷ đồng vốn tự có, tài sản thế chấp để vay ngân hàng, lãi suất cao… Chi phí đầu vào cao, dẫn đến giá thành cao, không cạnh tranh được với Trung Quốc, Hàn Quốc, không thể tham gia vào chuỗi. Vì vậy, DN Việt Nam thay vì bỏ chi phí đổi mới công nghệ, làm công nghiệp hỗ trợ, thì đổ vào những lĩnh vực đem lại lợi nhuận nhanh, như đầu tư trái phiếu bất động sản”, chuyên gia Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng chia sẻ tại Tọa đàm Liên kết DN Việt Nam và DN FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 5/12/2023.

Đến nay đây vẫn là vấn đề đặt ra với DN Việt Nam, dù đã có những bước chuyển nhất định và những thành quả lớn trong thu hút ĐTNN.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR, sau nhiều năm đẩy mạnh thu hút ĐTNN, Việt Nam chủ yếu tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa phần thâm dụng lao động và yêu cầu kỹ thuật thấp. Cho đến thời điểm hiện tại, khả năng tham gia cung ứng đầu vào cho DN FDI của các DN Việt còn hạn chế, đặc biệt là cung ứng cho các tập đoàn lớn. Trong khi 90% DN FDI tại các nước Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào trong nước thì tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 60%. Bên cạnh đó, chuyển giao công nghệ giữa các DN FDI và DN trong nước vẫn còn yếu. Đa số DN FDI tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài và tập trung vào tận dụng chi phí về nhà xưởng, lao động và các ưu đãi về thuế thay vì phát triển chuỗi cung ứng.

Nghiên cứu của VEPR chỉ ra những hạn chế trong năng lực nội tại của DN VN khi tham gia vào chuỗi liên kết với DN FDI. Thứ nhất là cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu. Thứ hai là năng lực cung ứng, DN FDI ưu tiên hợp tác với các đối tác tin cậy và có khả năng cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ đúng thời gian và theo hợp đồng, đặc biệt trong các ngành có chu kỳ sản xuất nhanh. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của DN VN còn thấp so với những nước như Trung Quốc, Ấn Độ. Thứ ba, dù có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua đầu tư FDI nhưng DN Việt Nam đang đối mặt với vấn đề lớn về nguồn nhân lực. Vấn đề lớn tiếp theo là trình độ công nghệ, khi các DN FDI trong ngành sản xuất đang chuyển hướng áp dụng công nghệ hiện đại với mức độ ứng dụng ngày càng cao. Khi tìm kiếm đối tác ở Việt Nam, mức độ đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ hiện đại luôn là yếu tố hàng đầu. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ và đổi mới.

Hiện nay, chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sử dụng nguồn vật tư, linh kiện đầu vào trong nước. Ảnh: Lê Tiên

Hiện nay, chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sử dụng nguồn vật tư, linh kiện đầu vào trong nước. Ảnh: Lê Tiên

Củng cố năng lực nội tại

Theo nhiều chuyên gia, các chính sách để thúc đẩy liên kết DN Việt Nam với DN FDI đã ban hành cho thấy nhiều cố gắng của Chính phủ, nhưng hiệu quả chưa đạt như mong muốn.

So sánh với Thái Lan, trong lĩnh vực lắp ráp ô tô xe máy, Thái Lan có 1.700 DN hỗ trợ, Việt Nam chỉ có vài trăm, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, để tận dụng cơ hội mới mở ra thì phải có nền tảng, phải xem năng lực nội tại đến đâu. Cần xuất phát từ năng lực nội tại để định hình, chọn lĩnh vực nào có thể cung ứng cho các nhà đầu tư để tập trung hỗ trợ, chứ không phải phụ thuộc vào nhà đầu tư.

Để thúc đẩy liên kết, TS. Nguyễn Quốc Việt khuyến nghị tạo ra sự kết nối giữa các vùng để thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Các chính sách ngoại giao đơn hàng, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối DN trong nước với DN nước ngoài; cần tập trung hoàn thiện các chính sách phát triển ngành công nghệ hỗ trợ theo các chuỗi liên kết.

Khẳng định để liên kết được với khu vực FDI thì phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, muốn làm công nghiệp hỗ trợ, đòi hỏi phải có lượng vốn lớn để đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, trong khi thực tế phần lớn DN nội địa không có tài sản thế chấp, vay vốn thì lãi suất lại cao, khiến cho giá thành sản phẩm cao nên không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Hiện nay chúng ta có rất nhiều quỹ, từ cấp Trung ương cho đến địa phương, nhưng số DN tiếp cận được rất hạn chế, bởi để bảo đảm nguyên tắc “bảo toàn vốn”, DN phải có “tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch (phải có kiểm toán)”… “Nên chăng, cần chuyển tất cả các quỹ về Quỹ Bảo lãnh quốc gia, bảo lãnh tín chấp, thay vì yêu cầu thế chấp và bảo đảm trình độ thẩm định dự án”, ông Hòe khuyến nghị.

Từ góc nhìn địa phương, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể kết nối được với DN FDI. Ông Bắc cho biết, nhận thấy không còn lợi thế cạnh tranh thu hút FDI theo cách truyền thống, Bắc Ninh đang thay đổi cách tiếp cận, đó là đi sâu vào đào tạo lao động, chuyển đổi số, tập trung nghiên cứu và triển khai, phát triển những ngành nghề mới… Muốn làm được điều này, chính quyền địa phương cần nâng cao hơn nữa vai trò kết nối với DN và trường đại học công nghệ. Đây là sự hỗ trợ hợp pháp của chính quyền mà người dân và DN cần tận dụng.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN cho rằng, DN FDI không bao giờ chuyển giao công nghệ lõi mà họ chỉ có thể chuyển giao công nghệ ở mức trung bình. Muốn tham gia vào chuỗi giá trị, chúng ta phải tự nâng tầm, phải có vốn, phải có con người. Chính phủ cần hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu phát triển, bên cạnh việc tận dụng các cơ sở nghiên cứu của trường đại học, DN để nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm đầu ra có thể sử dụng được. Muốn gắn kết các bên, thì Nhà nước phải có khung chính sách, cơ sở pháp lý để chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa các bên. Tiếp theo là phải có chính sách khuyến khích phát triển thị trường công nghệ.

Chuyên đề