Tìm cách tạo dòng tiền, DN quyết tâm vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết đã cấn trừ nợ bằng tài sản thành công với nhà cung cấp, thầu phụ, quy mô lên tới 650 tỷ đồng, đồng thời liên minh với nhiều nhà thầu khác để cùng kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm giải pháp cải thiện tiềm lực tài chính như phát hành thêm cổ phần, chuyển nhượng dự án, dừng trả cổ tức… để vượt qua thách thức.
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết đã cấn trừ nợ bằng cổ phiếu thành công với 89 nhà cung cấp, thầu phụ, quy mô lên tới 650 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết đã cấn trừ nợ bằng cổ phiếu thành công với 89 nhà cung cấp, thầu phụ, quy mô lên tới 650 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn do sự đóng băng của thị trường bất động sản, Báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa được phát hành cho thấy, Công ty ghi nhận lỗ tới 2.570 tỷ đồng năm 2022. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình cho biết, năm 2022 - 2023 có thể nói là thời kỳ khó khăn nhất trong 3,5 thập kỷ hình thành và phát triển của Công ty.

Trước áp lực đối với các khoản công nợ phải thu, phải trả, nợ vay, ông Hải cho biết, sau khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cho cổ đông chiến lược, đến ngày 23/6/2023 đã có 89 nhà cung cấp và nhà thầu phụ đồng ý cấn trừ nợ bằng cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng. Trong thời gian qua, Xây dựng Hòa Bình phải giải quyết vấn đề thu hồi nợ qua cơ quan chức năng và đã có 10 vụ được xét xử, Hòa Bình đã thành công cả 10 vụ. Tổng giá trị Hòa Bình sẽ thu về qua kết quả xét xử cao hơn tổng nợ gốc gần 50%.

Đặc biệt, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2023 diễn ra chiều 27/6, lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình đã công bố việc thành lập liên minh với các nhà thầu Coteccons, Central Cons, An Phong, Delta… để tham dự Gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc “siêu” Dự án sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 1).

Trước đó, ông Hải từng kêu gọi cùng liên minh để tham gia thị trường ngoại, khi “miếng bánh” trong nước nhỏ dần và nhà thầu Việt Nam hoàn hoàn đủ năng lực để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cũng để giảm áp lực tài chính, tại ĐHCĐ diễn ra cuối tháng 6/2023, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt đã thông qua phương án chào bán hơn 67 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Hơn 670 tỷ đồng dự kiến huy động được dùng để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu mà Công ty đã phát hành trong hai năm 2021 - 2022. Thời gian trả nợ dự kiến trong quý III - IV/2023 và năm 2024 trên cơ sở thỏa thuận giữa Công ty và người sở hữu trái phiếu.

Bên cạnh đó, Phát Đạt cũng thông qua phương án chào bán hơn 134,329 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được sẽ dùng để triển khai các dự án bất động sản của Công ty như: Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Bình Định; Khu dân cư Bắc Hà Thanh (Bình Định), chung cư Bình Dương Tower 1 (Bình Dương)…

Đối với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, doanh nghiệp này cho biết sẽ không chia cổ tức năm 2022 với lý do cần sử dụng nguồn lợi nhuận này để làm nguồn vốn đầu tư các dự án dở dang vì nguồn vốn vay hiện rất hạn chế. Đối với phần cổ tức năm 2021, HĐQT Quốc Cường Gia Lai đề xuất dời thời gian chi trả đến quý III/2025.

Ngoài cách cấn trừ nợ bằng tài sản, phát hành thêm cổ phiếu với giá thấp để bổ sung nguồn vốn, cũng có những doanh nghiệp chọn phương án bán các tài sản không cần thiết. Cụ thể, tại ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 30/6, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho biết, không có ý định mở rộng thêm nhà máy sản xuất ở Vĩnh Long, thay vào đó Công ty dự định chuyển nhượng phần đất còn lại của Dự án (gần 7 ha). Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công Trần Như Tùng cho biết, Công ty thuê mảnh đất này với mức 26 USD/m2 và nếu chuyển nhượng sẽ theo giá thị trường hiện nay là 80 - 85 USD/m2. Doanh nghiệp sẽ dùng tiền chuyển nhượng để mua lại nhà máy khác. HĐQT đánh giá đây là phương án hiệu quả hơn. Công ty sẽ tìm kiếm nhà máy hiện hữu để mua lại, có thể gần TP.HCM.

Tương tự, tháng 5/2023, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã đăng ký bán toàn bộ 32,6 triệu cổ phiếu Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn để cân đối tài chính Công ty. Với mức giá khoảng 20.000 - 21.000 đồng/cổ phiếu, Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM có thể thu về hơn 600 tỷ đồng từ thương vụ này. Đây là số tiền không nhỏ giúp Công ty cân đối lại tài chính khi tính đến cuối quý I/2023, nợ phải trả của Công ty (75% là nợ vay) lên đến hơn 20.666 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.

Chuyên đề