Tìm cách nâng tầm doanh nghiệp bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đang được các tập đoàn công nghệ quốc tế lớn đánh giá là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhờ những chuyển động tích cực từ thể chế, chính sách đến công tác thực thi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (CNBD). Tuy nhiên, hiện số doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia ngành này còn rất khiêm tốn, chủ yếu ở khâu thiết kế, đóng gói, kiểm thử. Hỗ trợ DN Việt nâng tầm trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu là câu chuyện thu hút sự quan tâm đặc biệt hiện nay.
Viettel đã sản xuất được chip 5G (xử lý thuật toán của trạm thu phát sóng 5G) phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Viettel đã sản xuất được chip 5G (xử lý thuật toán của trạm thu phát sóng 5G) phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Những bước khởi đầu

Năm 2022, Công ty CP Bán dẫn FPT đã thiết kế, sản xuất 3 dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip với đối tác nước ngoài. Năm 2023, FPT có thêm 7 dòng chip mới và hiện đang tiếp tục thiết kế, sản xuất nhiều loại chip mới khác… Việc FPT sản xuất được chip vi mạch đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia sản xuất được chip trên thế giới.

Cùng với FPT, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng có những bước tiến đáng kể trong sản xuất chip. Mới đây, tập đoàn này đã sản xuất được chip 5G (xử lý thuật toán của trạm thu phát sóng 5G), đưa Việt Nam tiến sâu hơn vào ngành bán dẫn toàn cầu với việc sản xuất chip để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Thanh Yên, chuyên gia bán dẫn, người sáng lập nhóm Cộng đồng vi mạch Việt Nam, nhận xét: “Việc làm chủ thiết kế, sản xuất chip của các DN trên cho thấy, DN bán dẫn Việt Nam đã bắt đầu bước những bước đầu tiên để làm chủ sản phẩm, thể hiện chúng ta có thể làm chủ lĩnh vực này”.

Nhiều chuyên gia bán dẫn khác cũng bày tỏ lạc quan, tin tưởng Việt Nam có thể khai thác được những cơ hội, tiềm năng mà ngành CNBD đang mở ra.

TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đánh giá, Việt Nam đang có những cơ hội lớn để phát triển CNBD. Việc phát triển ngành này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội việc làm chất lượng cao, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của DN, của đất nước.

Ông Hoài cho biết, thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư lĩnh vực bán dẫn lớn trên thế giới đã đến Việt Nam, trong đó có nhiều DN đóng gói, kiểm thử đã có mặt ở Việt Nam như: Amkor, Intel… “Điều này cho thấy Việt Nam có hệ sinh thái về bán dẫn khá tốt và đây là cơ hội để các DN trên thế giới tìm đến đầu tư và phát triển”, ông Hoài nhìn nhận.

Về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp này, đại diện NIC cho hay, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, ngày càng được nâng cao chất lượng. Đây là yếu tố cần thiết giúp DN bán dẫn Việt Nam nâng tầm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chia sẻ tại một tọa đàm gần đây, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Công ty CP Bán dẫn FPT nhìn nhận, chưa bao giờ ngành bán dẫn được Chính phủ và toàn xã hội quan tâm đến vậy. Chính phủ quan tâm hỗ trợ nhiệt tình với việc kiến tạo khung khổ chính sách, hoàn thiện kết cấu hạ tầng… nhằm thúc đẩy ngành CNBD phát triển. “Là người trong cuộc, tôi nhận thấy đây là điều rất vui, là cơ hội tốt cho Việt Nam và những DN bán dẫn Việt Nam tiến sâu, trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Quang bày tỏ.

Xây dựng bệ phóng

Để tiến sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Ông Quang cho biết, Việt Nam chưa có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này. Hiện DN Việt Nam mới tham gia được ở 2 mảng là thiết kế; đóng gói và kiểm thử.

Trong khi đó, “cuộc đua” chip trên toàn cầu đang diễn ra rất mạnh mẽ. Nhiều quốc gia như: Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cũng như dành nguồn lực lớn lên tới hàng tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp này.

Để không bỏ lỡ cơ hội “nghìn năm có một” phát triển ngành công nghiệp giá trị cao này, ông Hoài cho biết, thời gian qua, Việt Nam có nhiều chuyển động mạnh mẽ nhằm hỗ trợ DN Việt nâng tầm trong chuỗi giá trị ngành CNBD toàn cầu.

Theo ông Hoài, nhận thấy một số yếu tố (hạ tầng công nghệ, logistics…) là rất cần thiết cho phát triển CNBD, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai mạnh mẽ các giải pháp để thúc đẩy ngành phát triển, đặc biệt là về hạ tầng. “Chúng ta vừa hoàn thành đầu tư tuyến đường dây truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc, tiếp tục đầu tư các tuyến đường cao tốc… Đây là những yếu tố rất cần thiết hỗ trợ DN bán dẫn Việt Nam nâng tầm trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, lãnh đạo NIC thông tin.

Về thể chế, cơ chế chính sách tạo động lực cho phát triển ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã dự thảo nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó đề xuất các hỗ trợ, ưu đãi cho DN có dự án hoặc DN hoạt động trong ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có CNBD.

Về nguồn nhân lực, Bộ KH&ĐT cũng được Chính phủ giao xây dựng Dự thảo Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành CNBD đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đến nay, Chương trình đã được phê duyệt. “Đây là chương trình rất quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và coi đây là một yếu tố then chốt của then chốt để phát triển ngành”, ông Hoài nói. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển CNBD Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050...

Về phát triển hệ sinh thái cho ngành, NIC đã phối hợp với nhiều DN công nghệ, trường đại học lớn tổ chức các chương trình đào tạo về bán dẫn. “Đặc biệt, ngày 7 - 8/11/2024, NIC phối hợp với Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu lần đầu tiên tổ chức Triển lãm ngành bán dẫn Việt Nam năm 2024 với sự tham gia của nhiều “ông lớn” công nghệ thế giới cùng nhiều hoạt động bên lề quan trọng khác, là cơ hội để nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Hoài thông tin.

Với hàng loạt chuyển động tích cực trên, các DN, chuyên gia tin tưởng, DN Việt Nam có cơ hội trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

“Dựa trên những kết quả đang nhìn thấy, tôi tin rằng, DN bán dẫn Việt Nam có tiềm năng, cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở những khâu khó hơn với giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi”, đại diện FPT tin tưởng.

Chuyên đề