Tìm cách hạn chế rủi ro nợ công

(BĐT) - Tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm dần trong thời gian qua, cơ cấu vay nợ có chuyển biến tích cực, lãi suất các khoản vay giảm. Tuy nhiên, thực trạng nợ công vẫn còn đối mặt với một số rủi ro, điều này đòi hỏi những giải pháp hiệu quả về quản lý và phát triển thị trường nợ trong thời gian tới.
Dự kiến, đến cuối năm 2020, nợ công tương đương 54,3% GDP. Ảnh: Lê Tiên
Dự kiến, đến cuối năm 2020, nợ công tương đương 54,3% GDP. Ảnh: Lê Tiên

Đã có những chuyển biến tích cực

Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ công giảm còn khoảng 55% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, thấp hơn kế hoạch đầu năm là nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,2% GDP. Tốc độ tăng dư nợ công khoảng 7,9%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019, bằng một nửa mức tăng 18,1%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015. Dự kiến, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ công là 54,3% GDP, nợ Chính phủ là 48,5% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5% GDP.

Đánh giá về thực trạng nợ công hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, các chỉ tiêu nợ công nằm trong giới hạn an toàn được Quốc hội cho phép; để bảo đảm an toàn nợ công, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ bám sát mục tiêu, giải pháp đề ra, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh, tăng vay về cho vay lại và rà soát các hiệp định bảo đảm đúng quy định.

“Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, do nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn, chúng ta vẫn phải bội chi và vay nợ. Tuy nhiên, công tác quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2019 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nợ công được kiểm soát tốt. Cơ cấu vay chuyển dịch dần theo hướng tăng vay trong nước giảm rủi ro tỷ giá, hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận xét.

Nếu năm 2011 dư nợ vay nước ngoài chiếm hơn 61% dư nợ Chính phủ thì đến nay đã đảo chiều khi tỷ trọng vay trong nước dự kiến cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ của Chính phủ (năm 2016 là 60,1%). Đồng thời, lãi suất vay đã giảm sâu, với mức bình quân năm 2019 là 4,51%, giảm mạnh từ mức 12,01% bình quân năm 2011. 

Tiếp tục cơ cấu danh mục nợ và phát triển thị trường vốn

Dù đạt được những kết quả tích cực trên, song theo đánh giá của cơ quan quản lý nợ công, vẫn còn một số điểm cần chú trọng giải quyết để tiếp tục cải thiện thực trạng nợ công. Đó là, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước trong thời gian qua có xu hướng tăng dần, lịch trả nợ tập trung cao vào một số năm, gây áp lực nhất định trong việc thanh toán khoản nợ đến hạn.

Bên cạnh đó, danh mục nợ công còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, quy mô thị trường vốn trong nước vẫn ở mức khiêm tốn và tính đa dạng của sản phẩm vẫn còn hạn chế; rủi ro lãi suất do tỷ trọng vay nước ngoài với lãi suất thả nổi có xu hướng tăng dần khi Việt Nam đã “tốt nghiệp” IDA (dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới - Word Bank); rủi ro tỷ giá do danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn tập trung vào 3 loại ngoại tệ gồm USD, JPY và EUR, là những đồng tiền có biến động lớn trong thời gian vừa qua.

Về giải pháp tăng cường quản lý nợ công, Bộ Tài chính sẽ tổ chức đối chiếu, rà soát, đánh giá, tổng hợp nhu cầu vay của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng vốn vay công. Từ đó, đưa ra dự báo tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ sau năm 2020.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy phát triển sâu rộng thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Nghiên cứu, báo cáo Quốc hội về quản lý việc phát hành TPCP theo hướng bảo đảm kỳ hạn phát hành bình quân của cả năm trong khoảng từ 6 - 8 năm, gắn việc phát hành TPCP với phát triển thị trường trái phiếu.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.

Chuyên đề