Tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất: Mở rộng cạnh tranh về kỹ thuật, tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã có không ít dự án khu đô thị, khu nhà ở chậm triển khai nhiều năm sau khi được giao đất, dẫn đến đất đai bị bỏ hoang, lãng phí nguồn lực. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó, có nhiều trường hợp do kinh nghiệm triển khai của nhà đầu tư còn hạn chế, không bảo đảm thực hiện dự án. Việc lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực hiện Dự án là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm dự án được triển khai đúng yêu cầu tiến độ, chất lượng.
Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất bao gồm các tiêu chí về năng lực tài chính, khả năng thu xếp vốn và các tiêu chí về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự. Ảnh: Lê Tiên
Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất bao gồm các tiêu chí về năng lực tài chính, khả năng thu xếp vốn và các tiêu chí về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự. Ảnh: Lê Tiên

Nhà đầu tư không thể “tay không” thực hiện dự án

Theo Luật Đấu thầu 2023, sau khi công bố dự án, các dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ đấu thầu ngay, không qua bước đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm để xác định số lượng nhà đầu tư đạt yêu cầu sơ bộ như quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Việc các dự án đều được đấu thầu rộng rãi chọn nhà đầu tư được kỳ vọng tăng cạnh tranh, hạn chế tình trạng qua đánh giá sơ bộ chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng và chuyển sang chấp thuận nhà đầu tư.

Để thực thi các quy định mới của Luật Đấu thầu 2023, Nghị định hướng dẫn Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dự án đầu tư kinh doanh; cung cấp, đăng tải thông tin về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thay thế Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT (TT09).

Bản Dự thảo đầu tiên của Thông tư (gọi tắt là Dự thảo 1) đã được công bố lấy ý kiến vào tháng 6/2024.

Theo mẫu HSMT ban hành kèm theo Dự thảo 1, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất bao gồm các tiêu chí về năng lực tài chính, khả năng thu xếp vốn và các tiêu chí về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự.

Về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, với tư duy cởi mở, khuyến khích thu hút tối đa nhà đầu tư có năng lực tài chính và cả các nhà thầu tham gia, Dự thảo 1 tiếp tục quy định 3 loại dự án để nhà đầu tư chứng minh kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự.

Loại 1 là dự án thuộc lĩnh vực tương tự mà nhà đầu tư tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu vào dự án hoặc là tổ chức kinh tế do nhà đầu tư thành lập để thực hiện dự án, đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn, trong vòng từ 5 - 7 năm trước năm có thời điểm đóng thầu và có tổng vốn đầu tư/tổng mức đầu tư tối thiểu là trong khoảng 50 - 70% tổng vốn đầu tư của dự án đang xét.

Loại 2 và loại 3 là dự án, gói thầu, hợp đồng tương tự với dự án đang xét mà nhà đầu tư hoặc đối tác đã tham gia với vai trò là nhà thầu xây lắp, đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 3 - 5 năm trước năm có thời điểm đóng thầu và đáp ứng đầy đủ các điều kiện: có công trình, hạng mục công trình tương tự với công trình chính, hạng mục công trình chính của dự án đang xét; có giá trị tối thiểu thông thường trong khoảng 30 - 70% giá trị của công trình chính, hạng mục công trình chính của dự án đang xét.

Thống kê sơ bộ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, khoảng 83 - 84% dự án đầu tư có sử dụng đất đã công bố danh mục có sơ bộ tổng chi phí thực hiện dưới 1.000 tỷ đồng; khoảng 14% dự án từ 1.000 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng; 1,6 % từ 5.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng; số dự án trên 10.000 tỷ đồng chưa đến 1%.

Trong đó, “dự án hoàn thành” là dự án có toàn bộ hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Về “dự án hoàn thành phần lớn”, Dự thảo 1 đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là dự án có tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng từng phần theo giai đoạn thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Phương án 2 là dự án có tối thiểu 80% giá trị khối lượng công việc được nghiệm thu.

Các tiêu chí nêu trên nhận được sự quan tâm góp ý của nhiều địa phương, hiệp hội, nhà đầu tư. Trong đó, đối với “dự án hoàn thành phần lớn”, nhiều ý kiến đề nghị không quy định tỷ lệ hoàn thành phần lớn mà để từng cơ quan nhà nước có thẩm quyền tự điều chỉnh tỷ lệ này theo quy mô của dự án tương tự như quy định của TT 09, hoặc điều chỉnh quy định theo hướng giảm mức tối thiểu từ 80% xuống còn 50%.

Tại Dự thảo mới nhất, Bộ KH&ĐT đã có sửa đổi trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý. Theo đó, “dự án hoàn thành phần lớn” là dự án thuộc một trong hai trường hợp sau: Trường hợp 1 có tối thiểu 50% giá trị khối lượng công việc được nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; trường hợp dự án chưa được nghiệm thu tối thiểu 50% giá trị khối lượng công việc thì phải có giá trị khối lượng công việc được nghiệm thu tối thiểu bằng tổng vốn đầu tư/tổng mức đầu tư của dự án đang xét. Trường hợp 2 có tối thiểu 50% số lượng hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng từng phần theo giai đoạn thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Gói thầu, hợp đồng hoàn thành phần lớn là gói thầu, hợp đồng đã hoàn thành và được nghiệm thu ít nhất 50% khối lượng công việc của công trình/hạng mục công trình.

Quy định này, theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu đã tạo điều kiện tối đa thu hút nhà đầu tư.

Trong năm 2023, có 144 dự án đầu tư có sử dụng đất được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Trong năm 2023, có 144 dự án đầu tư có sử dụng đất được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Tiêu chí mang tính bao quát, kế thừa

Theo Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, những quy định tại Dự thảo Thông tư mới có tính kế thừa những quy định đã áp dụng ổn định trong lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất tại TT 09. Đồng thời, có những sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi hơn trong triển khai. Mục tiêu là lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm thực hiện dự án, bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu.

Cụ thể, TT 09 không quy định rõ mức nào là “hoàn thành phần lớn” nên trong quá trình áp dụng, nhiều địa phương rất lúng túng. Vì thế, tại Dự thảo Thông tư mới, Bộ KH&ĐT đã hướng dẫn rõ về giá trị này để thuận lợi trong triển khai.

Bên cạnh đó, quy định đưa ra cũng mang tính bao quát, phù hợp thực tiễn. Theo Bộ KH&ĐT, trong năm 2023, tổng số dự án đầu tư có sử dụng đất được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP là 144 dự án. Tổng vốn đầu tư của các dự án được lập là 372.444 tỷ đồng, tăng 97% so với năm 2022 (188.762 tỷ đồng). Như vậy, tính trung bình tổng vốn đầu tư mỗi dự án khoảng 2.500 tỷ đồng.

Thống kê sơ bộ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, khoảng 83 - 84% dự án đầu tư có sử dụng đất đã công bố danh mục có sơ bộ tổng chi phí thực hiện dưới 1.000 tỷ đồng; khoảng 14% dự án từ 1.000 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng; 1,6 % từ 5.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng; số dự án trên 10.000 tỷ đồng chưa đến 1%.

Hiện tại, rất nhiều nhà đầu tư/nhà thầu/đối tác có dự án tương tự có thể đáp ứng yêu cầu đa số dự án. Trong tương lai, dự án quy mô lớn sẽ ngày càng nhiều hơn, với tích lũy năng lực tài chính, kinh nghiệm, nhà đầu tư, nhà thầu sẽ dần đáp ứng những cuộc chơi lớn hơn. Đồng thời, theo quy định của pháp luật đấu thầu, các nhà đầu tư cũng có thể liên danh để thực hiện dự án quy mô lớn.

Đối với các dự án chưa có dự án tương tự về tổng vốn đầu tư, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất cũng đã quy định về xử lý tình huống. Căn cứ dữ liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia về các dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, có thể yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự bằng hoặc không thấp hơn 90% mức yêu cầu trong HSMT của dự án cùng ngành, lĩnh vực có tổng vốn đầu tư gần nhất với dự án đang xét.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề