Tiêu chí nhân sự tại gói thầu kiểm toán: Khi nào đủ, khi nào thừa?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo chuyên gia về đấu thầu, đối với các gói thầu kiểm toán, việc xây dựng các tiêu chí về nhân sự thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm toán. Có nghĩa rằng, hồ sơ mời thầu (HSMT) chỉ được đưa ra các yêu cầu khi pháp luật về kiểm toán hiện hành có quy định.
Hồ sơ mời thầu yêu cầu kiểm toán viên phải có các chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực hoạt động xây dựng được cho là rào cản với nhiều nhà thầu. Ảnh: Chu Vui
Hồ sơ mời thầu yêu cầu kiểm toán viên phải có các chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực hoạt động xây dựng được cho là rào cản với nhiều nhà thầu. Ảnh: Chu Vui

Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, nhân sự tại nhiều gói thầu kiểm toán lại được các chủ đầu tư/bên mời thầu “tiêu chuẩn hóa” bằng những yêu cầu quá cao, không phù hợp trong tương quan pháp luật về kiểm toán và pháp luật về đấu thầu hiện hành, đồng thời gây hạn chế cạnh tranh.

Tại Bình Dương, Gói thầu Kiểm toán công trình thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa thị xã Tân Uyên quy mô 200 giường (định hướng 400 giường) với giá dự toán 928 triệu đồng gây bức xúc cho nhiều nhà thầu trong lĩnh vực kiểm toán. Nguyên nhân là khi HSMT yêu cầu các vị trí nhân sự đáp ứng quá nhiều bằng cấp, chứng chỉ, không phù hợp, thậm chí vượt quá so với chức năng của các nhân sự đảm nhiệm công tác kiểm toán.

Theo đó, bên cạnh bằng cấp chuyên ngành, HSMT yêu cầu Trưởng đoàn kiểm toán phải đáp ứng đồng thời các loại chứng chỉ bao gồm: chứng chỉ hành nghề giám sát công trình dân dụng, công nghiệp hạng II trở lên; chứng chỉ hành nghề thiết kế kết cấu công trình dân dụng, công nghiệp hạng II trở lên; chứng chỉ hành nghề khảo sát địa chất hoặc địa hình.

Tương tự, đối với vị trí Kiểm toán viên phụ trách kiểm toán về kỹ thuật, HSMT yêu cầu đáp ứng chứng chỉ hành nghề thiết kế; giám sát công trình dân dụng công nghiệp hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật hạng II trở lên; chứng chỉ hành nghề khảo sát địa chất hoặc địa hình.

Tại Gia Lai, Gói thầu Kiểm toán thuộc Dự án Đường liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông có giá dự toán 841 triệu đồng cũng đang gây tranh cãi về tiêu chí nhân sự, khi HSMT “đòi hỏi” Phó Trưởng đoàn kiểm toán phải có chứng chỉ định giá đất. Đồng thời, các vị trí Kỹ thuật viên phải có chứng chỉ định giá xây dựng.

Thêm vào đó, một số tiêu chí được đánh giá là vượt xa so với chức năng, nhiệm vụ của các nhân sự kiểm toán có thể kể đến như yêu cầu về bằng tốt nghiệp chuyên ngành luật. Đơn cử tại Gói thầu Kiểm toán công trình khối nhà làm việc của UBND Tỉnh và các cơ quan khối tổng hợp (khối 2), Khu hành chính tỉnh Vĩnh Long.

Đa số nhà thầu trong lĩnh vực kiểm toán đều cho rằng, những tiêu chí nêu trên đều rất “có vấn đề”, không phù hợp với nội dung của một gói thầu kiểm toán. Theo đó, phản ứng của các nhà thầu này trước những gói thầu kiểm toán xuất hiện tiêu chí vừa nêu, thông thường là bỏ cuộc.

Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu cho rằng, căn cứ để xây dựng các tiêu chí nhân sự trong HSMT dựa trên quy mô, tính chất của dự án, mà đôi khi “quên” mất căn cứ quan trọng nhất chính là cơ sở pháp lý.

Theo chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán, trong số các quy định về tiêu chuẩn kiểm toán viên và quy định về đăng ký hành nghề kiểm toán viên được điều chỉnh bởi pháp luật về kiểm toán hiện hành, không có quy định bắt buộc kiểm toán viên phải có các chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực hoạt động xây dựng. “Các công việc khảo sát địa chất, địa hình, thiết kế, giám sát là những công việc ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, do các đơn vị có chức năng tương ứng thực hiện, mà không thuộc phạm vi công việc của các đơn vị kiểm toán độc lập. Do vậy, việc HSMT đưa các yêu cầu về chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực hoạt động xây dựng đối với các vị trí kiểm toán viên hành nghề là bất hợp lý”, vị chuyên gia khẳng định.

Cũng theo chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán, chứng chỉ kiểm toán chỉ dành cho đối tượng có bằng đại học khối ngành kinh tế, nếu yêu cầu thêm hai bằng đại học (đặc biệt là xây dựng, luật) thì rất khó đáp ứng. Trong khi đó, trong đoàn kiểm toán, đã có những nhân sự trưởng nhóm kiểm toán (pháp lý, xây dựng, kinh tế…), do đó, gom nhiều tiêu chí vào một nhân sự trưởng đoàn là tạo ra rào cản với nhiều nhà thầu.

Trong khi đó chuyên gia đấu thầu khuyến nghị, khi xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá nhân sự, cần nhìn nhận đúng chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng vị trí để đưa ra yêu cầu đúng, đủ, tránh trường hợp lạm dụng các yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ để “hành” nhà thầu, gây hạn chế cạnh tranh.

Chuyên đề