Trường Chính trị TP. Cần Thơ đang trong giai đoạn hoàn thiện phần xây lắp. (Ảnh do nhà thầu cung cấp) |
Trong văn bản phúc đáp của bên mời thầu gửi nhà thầu còn có thêm tiêu chí “làm khó” khi tài liệu lại không thuộc phạm vi thẩm quyền mà nhà thầu có thể thực hiện, cung cấp được.
Vẫn bảo lưu quan điểm yêu cầu cao
Báo Đấu thầu phát hành ngày 25/4/2017 đã phản ánh bất cập trong HSMT tại trường hợp của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ (bên mời thầu - BMT) khi phát hành HSMT lần 1 Gói thầu Cung cấp, lắp đặt trang thiết bị thuộc Dự án Trường Chính trị TP. Cần Thơ (bài viết: “Ban QLDA đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ: Khó hiểu tiêu chí chọn nhà thầu”). Tại gói thầu này, sau 2 lần tổ chức đấu thầu nhưng không lựa chọn được nhà thầu, BMT đã phải phát hành HSMT lần thứ 3. Điều đáng chú ý là thay vì “nới rộng” các tiêu chí để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng, BMT lại đưa ra tiêu chí trong HSMT cao hơn một cách thiếu hợp lý so với các HSMT trước đó.
Trong văn bản phúc đáp nhà thầu được BMT phát hành ngày 27/4, BMT vẫn khăng khăng cho rằng, Gói thầu đã trải qua 2 lần lựa chọn nhà thầu nhưng vẫn chưa chọn được, vì thế công tác lựa chọn nhà thầu của gói thầu trở nên cấp thiết nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành, bàn giao công trình phục vụ công tác giảng dạy của Trường Chính trị. Và vì thế việc yêu cầu có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về các nhân sự chủ chốt là để chứng minh nhân sự đề xuất thuộc tổ chức của nhà thầu và chứng minh năng lực thực hiện gói thầu đáp ứng yêu cầu về tiến độ, khối lượng, chất lượng.
Liên quan đến giấy phép bán hàng, BMT khẳng định HSMT chỉ đưa ra thông số mô tả đặc tính kỹ thuật của các thiết bị, không nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể, nên nhà thầu có thể đề xuất thiết bị của bất cứ nhà sản xuất hay nhà phân phối nào có sẵn trên thị trường, miễn sao phải đáp ứng được các đặc tính kỹ thuật, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ theo quy định.
Với những lý do nêu trên, BMT vẫn bảo lưu quan điểm của mình khi yêu cầu nhà thầu phải có 45 công nhân có tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; phải có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, đại lý chính thức của nhà sản xuất tại Việt Nam đối với toàn bộ thiết bị phần âm thanh, máy lạnh, máy chiếu, trạm biến áp.
Cung cấp hàng hóa có cần giấy phép xây dựng?
Trong các tiêu chí lựa chọn nhà thầu khá khó hiểu như đã nêu ở bài viết trước, BMT còn đưa ra tiêu chí liên quan đến tài liệu chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng mua sắm hàng hóa tương tự. Cụ thể, BMT yêu cầu, trường hợp nhà thầu ký hợp đồng với công ty tư nhân hoặc công ty cổ phần, tập đoàn vốn tự có… không có quyết định phê duyệt dự án của cơ quan nhà nước thì nhà thầu cung cấp báo cáo phương án đầu tư, giấy đăng ký kinh doanh của đối tác mà nhà thầu ký hợp đồng, giấy phép xây dựng công trình, các tài liệu khác chứng minh công trình đã được đầu tư tránh tình trạng cung cấp hợp đồng không có thực hoặc giả mạo không đảm bảo tính trung thực trong đấu thầu.
Tuy nhiên, theo quan điểm của một chuyên gia đấu thầu, trường hợp công ty tư nhân hoặc công ty cổ phần, tập đoàn sử dụng vốn tự có khi quyết định mua sắm hàng hóa thì không cần có quyết định phê duyệt dự án của cơ quan nhà nước. Do đó, để chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng của nhà thầu với công ty tư nhân khác thì cần yêu cầu nhà thầu cung cấp các tài liệu: hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu, hóa đơn thanh toán… Nếu trường hợp BMT không tin tưởng nhà thầu thì có thể làm văn bản đề nghị chủ đầu tư tư nhân xác nhận về hợp đồng đó.
Đối với “báo cáo phương án đầu tư”, “giấy đăng ký kinh doanh của đối tác mà nhà thầu ký hợp đồng”, “giấy phép xây dựng công trình” là những tài liệu nằm ngoài phạm vi cung cấp được của nhà thầu, “làm gì có mà cung cấp”. Bởi khi nhà thầu ký hợp đồng cung cấp hàng hóa cho chủ đầu tư (công ty tư nhân) thì nhà thầu chỉ có thể cung cấp tài liệu mà nhà thầu đã thực hiện theo hợp đồng, không có giấy đăng ký kinh doanh của chủ đầu tư. Như vậy, yêu cầu nhà thầu cung cấp các tài liệu trên để chứng minh hợp đồng có thực hay không có thực là không phù hợp.
Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa nêu rõ, hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự là hợp đồng trong đó hàng hóa được cung cấp tương tự (về chủng loại, tính chất, quy mô) với hàng hóa của gói thầu đang xét. Chuyên gia đấu thầu cho rằng, để chứng minh đã thực hiện hợp đồng tương tự, nhà thầu chỉ cần cung cấp các tài liệu: hợp đồng, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, biên bản thanh lý hợp đồng, hóa đơn, tài liệu phê duyệt thiết kế để chứng minh quy mô, tính chất của hợp đồng tương tự.
Đồng thuận quan điểm trên, một chuyên gia đấu thầu khác nhấn mạnh: “Khi trúng một gói thầu, nhà thầu làm việc với chủ đầu tư thông qua hợp đồng, biên bản nghiệm thu, hóa đơn… Ngoài việc ký hợp đồng với chủ đầu tư thì việc chủ đầu tư là ai, thành lập bao giờ (giấy đăng ký kinh doanh), chức năng nhiệm vụ như thế nào, dự án của họ như thế nào (giấy phép xây dựng công trình) thì họ không có trách nhiệm phải cung cấp những thông tin đó cho một cuộc thầu khác”.