Tiết kiệm hơn 43.457 tỷ đồng qua lựa chọn nhà thầu năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022, thông qua việc lựa chọn nhà thầu cho 349.468 gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu với tổng giá gói thầu 920.082,11 tỷ đồng, đã tiết giảm được 43.457,79 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm trung bình 4,72% - cao hơn tỷ lệ tiết kiệm chung năm 2021 là 4,34%.
Các gói thầu mua sắm hàng hóa năm 2022 có tỷ lệ tiết kiệm đạt 10,74%, cao gấp 1,47 lần so với năm 2021 (đạt 7,42%). Ảnh minh họa: Internet
Các gói thầu mua sắm hàng hóa năm 2022 có tỷ lệ tiết kiệm đạt 10,74%, cao gấp 1,47 lần so với năm 2021 (đạt 7,42%). Ảnh minh họa: Internet

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2022 trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 120 bộ, ngành, địa phương.

Bộ KH&ĐT cho biết, so với năm 2021, số lượng gói thầu, tổng giá trúng thầu, tổng giá gói thầu của năm 2022 tăng đáng kể, hiệu quả thực hiện công tác đấu thầu trên cả nước tiếp tục được nâng cao. Trong đó, hình thức đấu thầu rộng rãi tiếp tục phát huy hiệu quả với tỷ lệ tiết kiệm đạt 5,16%, cao hơn năm 2021 là 4,48%. Tổng giá gói thầu của hình thức này là 734.748,02 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 696.852,79 tỷ đồng và có giá trị tiết kiệm lớn nhất (37.895,22 tỷ đồng) so với các hình thức còn lại.

Hình thức đấu thầu hạn chế năm 2022 đạt tỷ lệ tiết kiệm 5,94%, cao gấp 1,55 lần so với năm 2021 (3,81%), còn hình thức chỉ định thầu có tỷ lệ tiết kiệm đạt 2,64%, chào hàng cạnh tranh đạt 3,35%, và các hình thức khác (mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, gói thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng) đạt 4,71%.

Năm 2022, con số tiết kiệm từ các gói thầu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ đạt 5,59%, cao hơn so với năm 2021 là 4,22%.

Về loại gói thầu, mua sắm hàng hóa có tỷ lệ tiết kiệm đạt 10,74%, cao gấp 1,47 lần so với năm 2021 (7,42%) và có tổng giá trị tiết kiệm 24.980,43 tỷ đồng, cao nhất trong số các loại gói thầu.

Kết quả tổng hợp của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy, năm 2022, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã triển khai thực hiện tốt công tác đấu thầu, có tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu cao như: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (đạt 30,7%); Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (đạt 28,8%); Bộ Y tế (đạt 15,9%); tỉnh Đồng Nai (đạt 14,2%); tỉnh Vĩnh Long (đạt 12,2%); Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (đạt 11,3%)…

Bộ KH&ĐT đánh giá, việc áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ năm 2022 bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm. Cơ chế đặc thù về chỉ định thầu là cơ sở pháp lý để người có thẩm quyền xem xét, quyết định các gói thầu được áp dụng hình thức chỉ định thầu, góp phần rút ngắn thời gian, giảm bớt các thủ tục lựa chọn nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nhờ đó nhiều dự án trọng điểm, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội cả nước như 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được áp dụng cơ chế chỉ định thầu và đồng loạt khởi công cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, năm 2022, công tác đấu thầu qua mạng cũng tiếp tục được đẩy mạnh, có chuyển biến tích cực và vượt chỉ tiêu theo lộ trình. Năm 2022, có 124.817 gói thầu được tổ chức đấu thầu qua mạng và tính đến hết năm 2022, có 112.316 gói thầu qua mạng đã có kết quả lựa chọn nhà thầu với tổng giá gói thầu khoảng 595.729 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu 581.781 tỷ đồng. Đây là năm mà công tác đấu thầu qua mạng trên cả nước vượt 2 chỉ tiêu theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT (vượt 16,91% về số lượng gói thầu và vượt 8,99% về giá trị gói thầu).

Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2022, có 105/120 cơ quan, đơn vị có tỷ trọng về tổng số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng vượt yêu cầu tối thiểu (80%). Trong đó có 10 cơ quan, đơn vị, địa phương có tỷ trọng về số lượng và giá trị gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng đạt 100% gồm: Văn phòng Chủ tịch nước, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ, tỉnh Bình Phước, tỉnh Bạc Liêu, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Theo ước tính, công tác đấu thầu qua mạng năm 2022 đã giúp tiết kiệm khoảng 1.530 tỷ đồng chi phí hành chính trực tiếp và tiết kiệm thời gian cho chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu. Năm 2022 cũng đã chứng kiến số lượng các gói thầu đấu thầu qua mạng có quy mô lớn tiếp tục gia tăng, nhiều gói thầu có giá hàng nghìn tỷ đồng đã được đấu thầu qua mạng thành công, một số gói thầu có hình thức đấu thầu hạn chế cũng được tổ chức đấu thầu qua mạng…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư