Tiết kiệm 14.259 tỷ đồng từ dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và 7 dự án thuộc Quốc lộ 14

(BĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận tổng kết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về công tác đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14).
Các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 vượt tiến độ từ 12 - 18 tháng. Ảnh: Lê Tiên
Các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 vượt tiến độ từ 12 - 18 tháng. Ảnh: Lê Tiên

Chỉ số kết cấu hạ tầng giao thông tăng 36 bậc trong 5 năm

Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau 4 năm triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, về cơ bản đã hoàn thành vượt các mục tiêu phát triển, đặc biệt là việc hoàn thành các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 sớm hơn từ 12 - 18 tháng so với kế hoạch, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các khu vực có dự án đi qua và của cả nước.

Nghị quyết số 65/2013/QH13 quyết định bố trí 64.294 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014 -2016 bố trí 61.680 tỷ đồng để thực hiện 23 dự án thuộc Quốc lộ 1A và 7 dự án thuộc Quốc lộ 14. Tuy nhiên, sau khi toàn bộ các dự án đã hoàn thành vượt kế hoạch, tổng mức đầu tư chỉ hết có 50.035 tỷ đồng, còn dư so với dự toán 14.259 tỷ đồng, nhưng Chính phủ đã bố trí 1.647 tỷ đồng cho một số công trình có tính kết nối với Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 nên tổng số tiền tiết kiệm được từ hai dự án này là 12.612 tỷ đồng.

Giải thích về việc tiết kiệm được 14.259 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng cho biết, trong số tiền này giảm được 4.485 tỷ đồng do chênh lệch giữa tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án và tổng mức dự án đã được phê duyệt; giảm được 1.070 tỷ đồng do thực hiện hình thức chỉ định thầu..., đặc biệt là giảm được rất nhiều chi phí trong khâu giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công. “Công tác giải phóng mặt bằng được giao trực tiếp các tỉnh thực hiện nên cả hệ thống chính trị vào cuộc và được nhân dân các vùng dự án đi qua ủng hộ. Bộ GTVT cũng đã có những chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ từ khâu thiết kế dự toán, biện pháp thi công cho phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật và giảm giá thành công trình…; rút ngắn được thời gian thi công nên đã tiết kiệm được tổng cộng 23% kinh phí đầu tư xây dựng so với dự toán đã được duyệt”, ông Đinh La Thăng giải thích.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, ngành GTVT đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được 186.660 tỷ đồng; lĩnh vực hàng hải thu hút được 121.453 tỷ đồng; hoàn thành vượt mức các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400 km đường bộ và hơn 94.000 mét cầu đường bộ.

Nhờ tập trung mọi nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, nên sau 5 năm chỉ số phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam đã tăng 36 bậc so với năm 2010 (từ vị trí thứ 103 năm 2010 lên vị trí thứ 67 năm 2015). “Tuy nhiên, đối với một đất nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại mà kết cấu hạ tầng giao thông xếp thứ 67/140 nước thì rõ ràng hạ tầng giao thông còn đang là một thách thức rất lớn”, ông Đinh La Thăng tự đánh giá và đặt mục tiêu phấn đấu 5 năm tới làm sao hạ tầng giao thông phải tăng được khoảng 30 bậc nữa, thì mới đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Hậu chiến tích và những điều cần bàn

Ông Nguyễn Minh Lâm, Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao việc triển khai đầu tư xây dựng 23 dự án thuộc Quốc lộ 1A và 7 dự án thuộc Quốc lộ 14 với thời gian thi công vượt kế hoạch, đặc biệt, trong quá trình triển khai đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, giải phóng mặt bằng, tiết kiệm tối đa kinh phí so với dự toán. “Đây là một trong những dự án đầu tư xây dựng cơ bản triển khai khá tốt trong thời gian qua, được mọi người đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Đến nay, các dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng”, ông Lâm đánh giá.

Trong khi đó, việc tiết kiệm được tổng cộng 14.259 tỷ đồng, tương đương 23% tổng mức đầu tư đã được phê duyệt được ông Ngô Văn Minh, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội coi là “chiến tích không dễ gì làm được”.Ông Minh cho rằng, tiết kiệm được khoản tiền rất lớn này một phần là sử dụng biện pháp thi công hợp lý, nhưng ông cũng muốn biết cụ thể thi công hợp lý như thế nào và tiết kiệm được bao nhiêu tiền từ việc thi công hợp lý để nhân rộng mô hình cho các dự án đầu tư khác.

Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Nguyễn Tiến Sinh hoan nghênh Chính phủ, Bộ GTVT trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư từ TPCP lần đầu tiên có dự án quốc gia có số dư vốn lớn, hoàn thành vượt tiến độ. “Có nhiều điều phải bàn xung quanh vấn đề này, song có một thực tế là đồng tiền của dân, nguồn lực đất nước đã được quản lý và sử dụng có trách nhiệm. Đây là bài học lớn trong nhiệm kỳ làm việc có trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt là những người đứng đầu của các cơ quan nhà nước”, ông Nguyễn Tiến Sinh gián tiếp động viên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.

Từ thực tế xây dựng 23 dự án thuộc Quốc lộ 1A và 7 dự án thuộc Quốc lộ 14, ông Nguyễn Tiến Sinh mong muốn xử lý dứt điểm nợ đọng và xử lý các hạng mục xuống cấp không chỉ cản trở giao thông mà còn là “điểm đen” về tai nạn giao thông tại nhiều tuyến đường quốc lộ khác. “Đơn cử như tuyến quốc lộ đoạn qua Hòa Bình hiện nay còn nợ giải phóng mặt bằng hàng chục tỷ đồng chưa có nguồn để hoàn trả và để bồi thường cho dân trong khi đoạn đường này đã được đưa vào khai thác. Cần phải bố trí vốn xử lý các hạng mục xuống cấp, xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông của tuyến huyết mạch phía Tây của Tổ quốc đã được khai thác khá lâu và hiện đang xuống cấp”, ông Sinh đề xuất và cho rằng, cần phải đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng GTVT thì thành phố, thị xã, đô thị miền xuôi mới kết nối được với miền ngược.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư