Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịch Covid-19 cùng những khó khăn, thử thách thời gian qua, và được dự báo còn kéo dài trong thời gian tới mang lại nhiều bài học kinh nghiệm. Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến sáng 26/9 với với cộng đồng DN và các địa phương, trong thời gian tới, cần phải có giải pháp căn cơ, chiến lược hơn, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường, nâng cao năng lực ngành y tế và phát triển ngành công nghiệp dược. Muốn vậy, cần sự chung tay góp sức của cộng đồng DN.
Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách

Thủ tướng mong muốn các DN chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các dự án hợp tác cụ thể. Theo Thủ tướng, về cơ bản, có thể triển khai hợp tác công tư trong tất cả các công việc, từ quản lý các tòa nhà, các công viên… Một số lĩnh vực đang rất cần đẩy mạnh hợp tác công tư như: đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, nâng cao năng lực hệ thống y tế… Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan dứt khoát phải quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân, thực hiện đồng bộ khi quy hoạch, triển khai các dự án.

Nhiều ý kiến tại hội nghị đề cập vấn đề cải cách và hoàn thiện thể chế. Thủ tướng khẳng định, đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược đang được Chính phủ, các bộ ngành hết sức quan tâm. Quan điểm rất rõ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ: Người dân và DN là chủ thể, là trung tâm. Mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân và DN; người dân và DN tham gia xây dựng chính sách và thực hiện các chính sách đó. Thủ tướng đề nghị cộng đồng DN tiếp tục chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách tại văn bản nào, điều khoản nào để cùng tháo gỡ.

“Chúng tôi mong muốn cộng đồng DN thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội; góp ý về đột phá thể chế, chính sách, pháp luật; đầu tư tăng năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp, chuyển đổi số; tăng cường hợp tác công tư, nhất là xây dựng hạ tầng chiến lược; góp ý thẳng thắn để cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính; tham gia nhiều hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược để chủ động ứng phó với mọi tình huống”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động xử lý các kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị theo các quy định của pháp luật và chủ trương, đường lối của Đảng, linh hoạt, phù hợp tình hình cụ thể, không cứng nhắc, không cực đoan. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân; đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc. Các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng chiến lược, kịch bản phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, lấy ý kiến của DN để thực hiện hiệu quả hơn. Tập trung cải cách hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu, ách tắc, lắng nghe, tiếp thu, giải trình với các ý kiến góp ý.

Hiện nay, theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương đang tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở báo cáo của 25/29 bộ, ngành và 56/63 địa phương. Kết quả tổng hợp sơ bộ cho thấy, có khoảng 70 vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh đối với dự án đầu tư công; khoảng 200 vấn đề khó khăn vướng mắc đối với dự án đầu tư kinh doanh; và khoảng 30 vấn đề khó khăn vướng mắc đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Các vấn đề vướng mắc này được phân loại theo các nhóm như: vướng mắc liên quan đến Luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội; vướng mắc liên quan đến Nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ; vướng mắc liên quan đến Thông tư thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và vướng mắc phát sinh do có cách hiểu chưa thống nhất, cần được hướng dẫn thực hiện. Dự kiến, nội dung rà soát sẽ được báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác trong tháng 10/2021; đồng thời thực hiện rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc đối với một số dự án cụ thể.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân hơn, gần DN hơn và DN, doanh nhân, người dân đến với chính quyền gần hơn. Chính phủ và các bộ ngành cũng đang tích cực cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, đề nghị cộng đồng DN tiếp tục đóng góp các ý tưởng, công nghệ và cả các sản phẩm cụ thể phục vụ công tác này.

“Không có gì hơn là sự đoàn kết, thống nhất, chung tay. Lợi ích thì hài hòa giữa nhà nước, DN và nhân dân, khi có rủi ro thì mỗi bên gánh vác một ít để giảm nhẹ khó khăn. Còn không ai có thể làm được tất cả”, đại diện Chính phủ nhấn mạnh.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề