Tiếp tục gỡ vướng, thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

(BĐT) - Các chính sách hỗ trợ đã cơ bản đầy đủ từ hỗ trợ thủ tục hành chính, hạ tầng, bảo hiểm, liên kết, tín dụng…, nhưng số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số DN trên cả nước; trong đó số DN nông lâm, thủy sản chiếm trên dưới 1%. Từ những số liệu này có thể thấy, hệ thống chính sách của chúng ta còn hạn chế, mà nguyên nhân xuất phát từ hai phía: chính sách và thực thi chính sách.
Các ý kiến tại Hội nghị cho thấy, còn nhiều khó khăn trong quá trình thực thi, hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Mai Phương
Các ý kiến tại Hội nghị cho thấy, còn nhiều khó khăn trong quá trình thực thi, hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Mai Phương

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Võ Thành Thống nhận định như vậy tại Hội nghị Đánh giá kết quả triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NĐ 57) diễn ra mới đây, tại tỉnh Quảng Nam.

Nỗ lực hoàn thiện chính sách

Theo Thứ trưởng Võ Thành Thống, để tiếp tục hoàn thiện khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành NĐ 57. Ngày 17/7/2019, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững, trong đó giao Bộ KH&ĐT tiếp tục theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị định theo kế hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị đánh giá lại tình hình triển khai Nghị định, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và thực hiện các văn bản hướng dẫn ở cả cấp trung ương và địa phương.

Đại diện Vụ Kinh tế nông nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, NĐ 57 có nhiều quy định đặc thù nhằm thu hút tối đa DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đơn cử, DN thực hiện dự án trên cơ sở định mức hỗ trợ của Nhà nước và được hỗ trợ sau đầu tư. Đây là cách làm đã được khẳng định tính hợp lý, hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP (NĐ 210) trước đây. Thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, NĐ 57 cắt giảm được 3 thủ tục về xây dựng (cấp phép xây dựng, quy hoạch và thẩm định thiết kế cơ sở), giảm 1 thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư và 1 thủ tục về thẩm tra công nghệ.

Về chính sách hỗ trợ tập trung đất đai, NĐ 57 quy định hỗ trợ doanh nghiệp có dự án nông nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất cho các dự án nông nghiệp phù hợp với Luật Đất đai 2013.

Về hỗ trợ tín dụng đầu tư, Nghị định trao quyền cho các địa phương ban hành chính sách tín dụng cụ thể để hỗ trợ DN; căn cứ khả năng ngân sách địa phương để hỗ trợ chênh lệch lãi suất vay thương mại; các công trình của dự án được tính làm tài sản thế chấp để vay vốn. Quy định mức vốn nhà nước hàng năm bố trí thực hiện NĐ 57 ở mức tối thiểu 5% vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn...

Triển khai NĐ 57, Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư số 04/2018/TT-BKHĐT ngày 6/12/2018 hướng dẫn thực hiện Nghị định.

Thực thi vẫn còn vướng mắc

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đánh giá, việc khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn từ NĐ 210 đã tạo nhận thức mới trong DN, nhân dân về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước vào đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. NĐ 57 được ban hành thay thế NĐ 210 đã tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, quy định nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện NĐ 57 vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, vẫn còn rất nhiều vướng mắc trong triển khai, dẫn đến DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, khó khăn lớn nhất là khả năng tiếp cận đất đai, cần điều chỉnh chính sách thì mới cởi trói về gốc để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp.

Nêu bật khó khăn về vốn và đất đai, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam Nguyễn Hoàng Thanh cũng đề nghị ưu tiên triển khai công tác tích tụ tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực ngân sách để đảm bảo hỗ trợ đầu tư theo chính sách đã ban hành, xem đây là nguồn vốn mồi nhằm thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư của DN, hợp tác xã...

Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh, trong thời gian tới, để hiện thực hóa các chính sách nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao tại NĐ 57. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành tiêu chuẩn bò thịt, bò sữa và tiêu chí dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Bộ Công Thương ban hành bổ sung Danh mục sản phẩm phụ trợ được hỗ trợ sản xuất theo tinh thần NĐ 57...

Đối với các địa phương, cần khẩn trương ban hành 5 chính sách đã được giao tại NĐ 57, hiện mới có 20 tỉnh, thành ban hành. Đây là các hướng dẫn quan trọng, đảm bảo khi có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có thể giải ngân hỗ trợ DN. Tích cực tuyên truyền, phổ biến NĐ 57 hơn nữa tới cộng đồng DN. Đồng thời, tiếp tục rà soát nhu cầu của DN và danh mục các dự án theo đúng đối tượng của NĐ 57 đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương và gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ theo yêu cầu của Nghị quyết 53.

Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, sau Hội nghị, Bộ KH&ĐT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành một chỉ thị thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp. “NĐ 57, Nghị quyết 53 cùng với chỉ thị sắp tới sẽ có tác động rõ rệt. Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực thi hoạt động của mình, kiểm tra, hỗ trợ các địa phương thường xuyên, kịp thời để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực này”, Thứ trưởng Võ Thành Thống khẳng định.

Chuyên đề