Đối thoại Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ "bứt phá" diễn ra chiều ngày 15/3/2019. Ảnh: Việt Anh |
Tiềm năng tăng trưởng tốt
Tại Đối thoại, ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, tăng trưởng kinh tế ở mức 6,6% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay là mục tiêu khá thận trọng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, chúng ta đang có những cơ hội và tiềm năng rất lớn để có thể phát triển và bứt phá tăng trưởng trong năm 2019 vượt mục tiêu này.
Đồng tình với ý kiến của Ban Kinh tế trung ương, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đánh giá: “Năm 2018, kinh tế của Việt Nam không chỉ có một năm tăng trưởng tốt mà phải là một năm tuyệt vời trong bối cảnh kinh tế thế giới có những biến động. Kết quả này chứng tỏ rằng, nền kinh tế đã có bứt phá và sẽ tiếp tục bứt phá hơn nữa trong năm 2019”.
Chỉ rõ nền tảng tăng trưởng của Việt Nam đang có những cải thiện mạnh mẽ, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu rõ, về chính sách vĩ mô, trong giai đoạn năm 2017-2018, chúng ta cơ bản sửa xong các luật liên quan đến việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho DN. Một số văn bản pháp quy xử lý điểm nghẽn của nền kinh tế cũng được ban hành. Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, chúng ta ban hành nhiều chính sách liên quan để phát triển khu vực tư nhân… Đối với vấn đề tài chính, nhiều năm nay, chính sách tiền tệ luôn là điểm thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa cũng được cải thiện, khoản thu tốt hơn, khoản chi tương đối được kiểm soát. “Chúng ta đã có những tiền đề để kinh tế phát triển nhanh và bền vững”, ông Kiên nhấn mạnh.
Làm gì để doanh nghiệp bứt phá?
Bày tỏ tin tưởng đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2019, song tại cuộc Đối thoại, ý kiến của nhiều DN tư nhân bày tỏ mong muốn môi trường kinh cần được tạo thuận lợi hơn nữa để có thể yên tâm sản xuất kinh doanh, vừa sáng tạo và làm. “Một DN ra đời, giống như sinh ra một đứa con. Vì thế, Chính phủ cần coi DN là như những đứa con của mình để tìm kiếm giải pháp nuôi DN để lớn lên, trưởng thành và thành công”, CEO một DN nói.
Vậy đâu là giải pháp để DN tư nhân bứt phá?
Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, muốn bứt phá thì cần cả điều kiện cần và đủ. DN mong muốn chất lượng tăng trưởng thực sự để tạo tiền đề phát triển bền vững. “Ở phía Chính phủ cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN để họ phát triển. Còn DN cần nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phầm nâng cao sức cạnh tranh”, ông Đoàn nêu quan điểm.
Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam lên tiếng: “Cần đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thực tế cho thấy, DNNN vẫn nắm giữ một nguồn lực lớn trong nền kinh tế, nhưng chưa chưa cổ phần hóa, thoái vốn tại các lĩnh vực không cần nắm giữ được là bao nhiêu”. Bên cạnh đó, Hiệp hội DN nhỏ và vừa cũng cho rằng, “bứt phá” ở đây không chỉ là môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính mà còn cả về mặt tư duy trong xây dựng chính sách và thực thi chính sách.
Tán thành với quan điểm cần cải cách, đổi mới tư duy trong việc tạo thuận lợi cho DN, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh: “Dù nhiều cơ quan quản lý đã có những cải cách, nhưng không thể bằng lòng với những kết quả đạt được mà cần tiếp tục tìm kiếm thêm những cách thức mới để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Nếu ai làm ở những vị trí này không thay đổi tư duy để phục vụ tốt nhất cho DN thì không nên ngồi ở đó”.
Với góc nhìn này, đại diện CIEM tin rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có bứt phá, DN tư nhân phát triển./.