“Tiếp sức” cho các nhà đầu tư hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với tốc độ phát triển đều đặn hàng năm của các phương tiện giao thông và thói quen lựa chọn đường bộ là phương thức di chuyển chủ đạo, hạ tầng giao thông vận tải được đánh giá là lĩnh vực có nhiều dư địa để thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, với quy mô đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, các nhà đầu tư cần “tiếp sức” bởi cơ chế đầu tư minh bạch, sòng phẳng và đồng hành trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trên cả vòng đời dự án PPP giao thông.
Các nhà đầu tư dự án PPP mong sớm có quy định cụ thể về việc chia sẻ phần giảm doanh thu, chế tài bù đắp phần thiếu hụt doanh thu do không được điều chỉnh giá, phí. Ảnh: Thanh Huyền
Các nhà đầu tư dự án PPP mong sớm có quy định cụ thể về việc chia sẻ phần giảm doanh thu, chế tài bù đắp phần thiếu hụt doanh thu do không được điều chỉnh giá, phí. Ảnh: Thanh Huyền

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, Lãnh đạo Công ty TNHH Tập đoàn Định An cho biết, hiện nay, mạng lưới đường bộ được quy hoạch bài bản, khá đồng bộ trên phạm vi cả nước, các đoạn tuyến cao tốc thông suốt từ Bắc đến Nam, độc lập, khép kín. Nhu cầu đầu tư đồng bộ và quản lý vận hành các tuyến đường này sẽ là một nguồn công việc lớn. Đây cũng hứa hẹn là lĩnh vực có nhiều tiềm năng để triển khai các dự án PPP.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành thì chia sẻ, với lưu lượng phương tiện giao thông phát triển đều đặn, phương thức vận chuyển đường bộ vẫn được đa số người Việt ưu tiên lựa chọn thì việc kêu gọi đầu tư các dự án PPP giao thông vẫn còn nhiều dư địa để thành công. Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư mong muốn là một cơ chế minh bạch, rõ ràng và sòng phẳng để hài hòa lợi ích giữa các bên, không dồn gánh nặng và rủi ro lên vai nhà đầu tư.

PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, niềm tin của các nhà đầu tư dự án PPP giao thông (hợp đồng BOT) đang bị suy giảm. Mặc dù các bên đều bình đẳng trong hợp đồng PPP nhưng nhà đầu tư luôn luôn trong vị thế bị quản lý bởi cơ quan có thẩm quyền. Câu chuyện chậm xử lý các vướng mắc, khó khăn tại 8 dự án BOT giao thông thời gian qua của các cơ quan chức năng đang đẩy gánh nặng cho nhà đầu tư, mặc dù nguyên nhân không phải là lỗi của nhà đầu tư như: bị cắt bớt trạm thu phí, không được tăng giá vé theo lộ trình, bị sang tải bởi những tuyến đường mới đầu tư mà không được thông báo... Nhiều nhà đầu tư nhìn vào những bất cập này có lý do để lo ngại và “dừng chân” với mô hình dự án PPP. Điều này thể hiện sự bất bình đẳng giữa các bên trong quan hệ hợp đồng. Trong một số trường hợp, rủi ro phát sinh do lỗi của Nhà nước nhưng nhà đầu tư và ngân hàng cho vay vốn phải gánh chịu khó khăn. Bản chất của các dự án PPP là các bên đều phải có lợi: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân đều được hưởng lợi. Chừng nào tiếng nói và quyền lợi của nhà đầu tư còn bị xem nhẹ thì không thể tạo được niềm tin và sức hấp dẫn cho các dự án PPP.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết, Dự án được đưa vào khai thác từ tháng 1/2018 đến nay nhưng doanh thu trung bình mỗi tháng chỉ khoảng 2 tỷ đồng, đạt vỏn vẹn 9% phương án tài chính do bị cắt giảm số lượng trạm thu phí như đã ký kết. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết triệt để, trong khi đó, nhà đầu tư phải gồng mình xoay vòng tài chính để duy trì hoạt động, trả nợ ngân hàng. Dư nợ ngân hàng ngày càng lớn cũng khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động khác, ảnh hưởng đến uy tín của Công ty.

Còn ông Ngô Tiến Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP BOT cầu Thái Hà cho biết, trong thực tiễn đầu tư và triển khai vận hành Dự án BOT cầu Thái Hà, nhà đầu tư có cảm giác bị “mang con bỏ chợ” khi một số cơ quan liên tục cấp phép đấu nối trái phép vào Dự án, chậm trễ xử lý các vấn đề tồn tại xâm phạm quyền lợi của nhà đầu tư, đầu tư xây dựng tuyến đường cầu Hưng Hà nối vào Dự án BOT cầu Thái Hà mà không chịu phí sử dụng dịch vụ đường bộ… Hiện tất cả giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư vẫn ở bước... đề xuất.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, với quy mô vốn lớn, vòng đời của một dự án PPP giao thông thường dài vài chục năm. Do đó, để thu hút được nguồn vốn tư nhân vào các dự án PPP, Nhà nước phải tạo lập được khung chính sách rõ ràng và minh bạch, hài hòa và bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư. Hiện nay, có nhiều khoảng trống pháp lý làm giảm sức hút của dự án PPP như: chưa có quy định cụ thể về việc chia sẻ phần giảm doanh thu, chế tài bù đắp phần thiếu hụt doanh thu do không được điều chỉnh giá, phí dịch vụ công theo từng thời kỳ được quy định tại hợp đồng dự án…

Bên cạnh đó, theo một chuyên gia về đầu tư, cơ chế vốn vay cho các dự án PPP hiện nay còn bất cập khi thời hạn cho vay vốn của ngân hàng chỉ xoay quanh mức tối đa là 13 năm, trong khi các dự án PPP giao thông cần thời gian hoàn vốn trung bình khoảng 20 năm. Do chưa có chính sách đặc thù trong cấp tín dụng cho các dự án BOT nên việc tiếp cận nguồn vốn vay của nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn, cần được điều chỉnh, bổ sung thời gian tới.

Ngoài ra, để hoàn thành mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ trên cả nước, trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước có hạn thì vẫn phải kêu gọi đầu tư tư nhân vào các dự án “xương xẩu” (lưu lượng phương tiện giao thông còn thấp, ở miền núi, các địa phương khó khăn, không thể hoàn vốn đầu tư như các dự án PPP giao thông ở thành phố, đô thị…), nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, vùng miền. Ở những dự án này, cần phải áp dụng cơ chế đặc thù thì mới thu hút thành công nhà đầu tư. Đây là điều mà các cơ quan chức năng cần tính đến trong việc hoàn thiện khung pháp lý PPP thời gian tới.

Chuyên đề