Không ít chủ đầu tư/bên mời thầu không đăng kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu mua sắm loa phường . Ảnh: Tường Lâm |
Vậy còn việc đầu tư, mua sắm hàng hóa này trên thực tế diễn ra như thế nào trong những năm vừa qua?
Nhà nhà cùng mua sắm
Thống kê sơ bộ về các gói thầu mua sắm, lắp đặt hệ thống truyền thanh của các xã/phường, quận/huyện trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy muôn hình vạn trạng, “nhà nhà cùng mua sắm”.
Có địa bàn, UBND cấp quận/huyện mua sắm hàng hóa này cho các phường/xã thuộc phạm vi quản lý. Chẳng hạn như ở quận Ba Đình, trong năm 2016, Phòng Văn hóa và Thông tin của Quận được giao làm bên mời thầu. Theo đó, cơ quan này tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà thầu cung cấp và lắp đặt mới hệ thống truyền thanh không dây trên địa bàn Quận đối với 11 phường và nâng cấp trang thiết bị đối với 3 phường đang sử dụng hệ thống truyền thanh không dây. Giá gói thầu là hơn 12,65 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mô hình này chỉ chiếm số ít, đa số các địa bàn còn lại đều “mạnh ai nấy làm”, mỗi phường/xã tự tổ chức việc mua sắm cho riêng mình. Về hình thức lựa chọn nhà thầu, có phường/xã áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi nhưng cũng có nơi lại áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh.
Theo ông Lê Ngọc Điểm, Chủ tịch UBND xã Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa), việc xây dựng giá gói thầu chủ yếu căn cứ vào báo giá của các nhà thầu, chứ chủ đầu tư/bên mời thầu không mấy khi tiến hành khảo sát giá trúng thầu ở các địa bàn lân cận để tham khảo.
Tại địa bàn quận Tây Hồ, từ ngày 23/6 - 1/7/2015 (tức là chỉ trong 1 tuần), có 6 phường cùng tổ chức mua sắm, lắp đặt hệ thống truyền thanh không dây và thật “ngẫu nhiên”, nhà thầu trúng thầu của 6 phường này lại đều là Công ty CP Dịch vụ viễn thông thế hệ mới.
Ngoài ra, “loa phường” hiện vẫn chưa được đưa vào danh mục tài sản mua sắm tập trung của Hà Nội. Theo ông Hoàng Tuân, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính (Sở Tài chính Hà Nội) – đơn vị được giao mua sắm tập trung cho TP. Hà Nội, hiện Trung tâm này chỉ mới được giao mua sắm tập trung 13 danh mục tài sản, bao gồm: Xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ (xe cứu thương, xe chuyên dùng chở tiền, xe tang); máy tính để bàn (bao gồm cả lưu điện); máy tính xách tay; máy in; máy photocopy; máy scan; máy fax; máy điều hòa nhiệt độ; máy chiếu; màn chiếu; bàn ghế học sinh; trang thiết bị y tế; dịch vụ công ích vệ sinh môi trường.
Ỉm kết quả lựa chọn nhà thầu?
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu về các gói thầu mua sắm loa phường trên địa bàn TP. Hà Nội, không ít chủ đầu tư/bên mời thầu không biết do vô tình hay cố ý đã không đăng kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu này theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 8 của Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn.
Đơn cử như Gói thầu Xây dựng và thiết bị (Dự án Cải tạo, nâng cấp hệ thống loa truyền thanh phường Quang Trung) do UBND phường Quang Trung làm bên mời thầu; Gói thầu Mua sắm loa và thiết bị phụ trợ cho hệ thống loa truyền thanh phường Nghĩa Tân do UBND phường Nghĩa Tân làm bên mời thầu; Gói thầu Cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền thanh phường Đại Kim do UBND phường Đại Kim làm bên mời thầu...
Theo biện minh của một cán bộ phụ trách tổ chức đấu thầu gói thầu nêu trên của UBND phường Đại Kim, việc tổ chức đấu thầu được Phường giao cho đơn vị tư vấn thực hiện và không hề hay biết có quy định bắt buộc phải đăng tải công khai kết quả lựa chọn nhà thầu. Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đã thực hiện từ cuối tháng 5/2016 và nhà thầu cũng đã thực hiện xong.
Việc lấy ý kiến rộng rãi về vấn đề nên hay không nên duy trì loa phường vẫn đang tiếp tục cho tới ngày 17/3/2017, nhưng giả sử trong trường hợp chính quyền TP. Hà Nội vẫn quyết định duy trì hoạt động của loa phường thì việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo hàng năm của mỗi địa phương trên địa bàn sẽ còn tiếp tục diễn ra. Lúc đó, điều đáng bàn là cần có một cơ chế mua sắm tập trung nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước?
Đa số ý kiến cho rằng không cần thiết duy trì hoạt động của loa phường
Tính đến thời điểm 17 giờ 40 phút ngày 15/2/2017, trong số 2.426 người cho ý kiến trên Cổng giao tiếp điện tử của UBND TP. Hà Nội, có tới 88,87% ý kiến cho rằng nội dung thông tin trên Đài truyền thanh cơ sở không thiết thực, không hữu ích; 88,5% ý kiến cho rằng không cần thiết duy trì hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở. Đa số ý kiến cho rằng việc cập nhật thông tin hiện nay chủ yếu qua mạng Internet (44,27%) và xem ti vi (27,53%)...